Bức tượng nổi tiếng về sự tử đạo của thánh Batôlômêô
Một trong những bức tượng hoàn hảo nhất của thời Phục Hưng chính là tác phẩm xuất phát từ bàn tay của điêu khắc gia Marco D’Agrate, thể hiện sự tử đạo của thánh tông đồ Batôlômêô.
Trong bức thư gởi các tín hữu Côlôxê, thánh Phaolô nhắc rằng Chúa Giêsu được xem là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”. Nếu Thiên Chúa vô hình lại lộ diện qua Đức Giêsu, thì chẳng có gì sai trái nếu sử dụng hình ảnh nhằm thể hiện sự thánh thiện. Sự thấu hiểu tinh thần trên của thánh Phaolô tông đồ cho phép thế giới hình thành và phát triển truyền thống nghệ thuật đẹp một cách xuất sắc, trong đó các Kitô hữu kết hợp những kỹ thuật và các mẫu hình hiện diện trong các nhánh nghệ thuật chủ đạo của thế giới, như Hy Lạp, Hy Lạp hóa, Trung Đông và La Mã.
Tranh của họa sĩ Giovanni Battista Tiepolo về thánh Batôlômêô
Bên cạnh đó, cũng nên nhớ rằng một số đoạn trong Cựu Ước, đặc biệt những câu đề cập đến hoạt động xây đền thờ - bản thân Thiên Chúa đã yêu cầu người của Ngài tạo ra các hình ảnh (như thiên thần, rắn, bò đực…) phục vụ cho khâu trang trí của đền thờ, và thậm chí cả Hòm Bia Giao Ước cũng thế. Trong tất cả những trường hợp trên, rõ ràng là chúng ta không tôn sùng chính những hình ảnh đó, mà xem đây là biểu tượng của sự linh thiêng. Trên thực tế, hình ảnh giúp các tín hữu cầu nguyện, thiền định và suy ngẫm tốt hơn.
Các bậc thầy của nghệ thuật Phục Hưng (khoảng 1300 - 1600) và Baroque (khoảng 1600 - 1700) thấu hiểu vai trò của hình ảnh đối với sức tưởng tượng và cảm xúc của các tín hữu. Đôi khi, họ đánh cược vào việc tạo ra những hình ảnh đặc biệt ấn tượng và truyền đạt thông điệp vô cùng mạnh mẽ. Đó là trường hợp của tác phẩm “Saint Bartholomew Flayed” (Thánh Batôlômêô bị lột da), của nhà điêu khắc người Ý Marco D’Agrate. Hay nói đúng hơn “Saint Bartholomew Flayed” là tác phẩm nổi tiếng nhất trong cả cuộc đời của nhà điêu khắc tài hoa.
Tu viện Thánh Batôlômêô được xây dựng tại nơi ngài tử đạo ở Armenia
Ông D’Agrate chào đời vào đầu thế kỷ 16. Đa số nguồn tài liệu đều cho rằng năm sinh là 1504. Điều chắc chắn rằng ông xuất thân từ một gia đình gồm toàn các nhà điêu khắc, và sinh thời ông chủ yếu làm việc tại vùng Lombardy của Ý. Trong tất cả những bức tượng mà bạn có thể tìm thấy ở nhà thờ Chánh tòa Milano, xuất sắc và ấn tượng nhất luôn là tác phẩm “Saint Bartholomew Flayed” của D’Agrate. Chính sự hoàn hảo làm nên huyền thoại của nó. Quá hài lòng với đứa con tinh thần của mình, bản thân D’Agrate buộc phải chú thích một dòng chữ bên dưới bức tượng, ghi rõ “chính Marco D’Agrate là người tạo ra tượng chứ không phải Praxiteles”. Trong đó, Praxiteles là tên một trong các bậc thầy điêu khắc vĩ đại nhất của người Hy Lạp vào thời cuối giai đoạn cổ điển.
Được tạo ra vào năm 1562 theo yêu cầu của tổ chức Veneranda Fabbrica - Duomo, bức tượng mô tả vị thánh tử đạo quàng trên vai một dải vật liệu có hình thù kỳ lạ, một đầu quấn quanh hông và đầu còn lại chạm xuống đất. Thế nhưng, nếu nhìn kỹ, dải vật liệu này lại chính là da của thánh Batôlômêô, nhằm thể hiện những cực hình mà ngài đã trải qua.
Thánh Batôlômêô là một trong 12 tông đồ của Chúa Giêsu. Sau khi Chúa Giêsu về Trời, thánh nhân lên đường truyền giáo tại Armenia và Ấn Độ, mang theo bản chép tay Phúc Âm theo thánh Matthêu. Trong cuộc hành trình, ngài đã cải đạo thành công cho vua Armenia là Polymius. Tức giận trước sự cải đạo của người anh, hoàng thân Astyages ra lệnh tra tấn và giết chết thánh Batôlômêô bằng cách lột da sống ngài.
Sau khi đọc về cuộc đời và sự tử đạo của vị thánh, ông D’Agrate được truyền cảm hứng và bắt tay vào việc khắc họa hình ảnh mà nhà điêu khắc có thể hình dung trong đầu về những giây phút cuối cùng của thánh Batôlômêô. Thế là bức tượng ra đời, thể hiện cấu tạo cơ thể người một cách vô cùng chi tiết, trong khi phô bày được sự hy sinh quên mình mà thánh Batôlômêô đã phải trải qua và trong toàn bộ quá trình khổ ải vẫn luôn giữ vững đức tin của bản thân.