Từ ngày 13 tháng 5 đến ngày 13 tháng 10, năm 1917, Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra tại Fatima (Bồ đào nha) với ba trẻ, Lucia, Francisco, và Jacinta. Mùa Xuân năm 1916, một thiên thần đã hiện đến ba lần và báo trước về các lần hiện ra của Đức Mẹ. Lần nào hiện ra, Đức Mẹ cũng yêu cầu ba trẻ hãy lần chuỗi Mân Côi và làm việc đền tạ vì nhân loại đã xúc phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Vào ngày 13 tháng Mười, nhiều ngàn người đã chứng kiến một phép lạ được Đức Mẹ báo trước để thế giới tin vào sứ điệp của những lần hiện ra: trong khoảng mười phút, mặt trời đã quay tít trên bầu trời như một bánh xe lửa.
Đức Trinh Nữ yêu cầu hãy tận hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Theo lời thỉnh nguyện của hàng giáo phẩm Bồ đào nha, Đức Pius XII đã long trọng cử hành cuộc tận hiến này vào ngày 31 tháng 10 năm 1942; và Đức Gioan Phaolô II thực hiện một lần nữa vào ngày 25 tháng 3 năm 1982.
35.1 Những lần Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.
Vào ngày 13 tháng 5
năm 1917, lần đầu tiên Đức Mẹ đã hiện ra với ba mục đồng là Lucia, Francisco, và Jacinta vào khoảng giữa trưa. Khi ấy, các em đang chăn dẫn
đàn vật tại thung lũng Cova da Iria,1 nơi có nhiều cây sồi và cây ôliu.
Đức Trinh Nữ xin các em hãy trở lại vào các ngày 13 trong những tháng sau đó. Sứ điệp của Đức Mẹ kêu gọi sám hối, lần hạt Mân Côi, và dâng hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ. Lần nào hiện ra, Đức Mẹ cũng yêu
cầu các em hãy lần chuỗi hằng ngày. Mẹ còn dạy các trẻ một lời nguyện để thường xuyên dâng lên Thiên Chúa các biến cố đời sống, nhất là các hành vi khổ chế và hy sinh của các em: Lạy Chúa Giêsu, việc này xin vì lòng mến Chúa, xin cho các tội nhân trở lại, và đền tạ những xúc phạm người ta đã gây ra cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.
Vào tháng 8, Đức Trinh Nữ hứa ban một dấu lạ cho mọi người xem thấy, để minh chứng tính xác thực của sứ điệp. Trong những lần hiện ra, bao giờ Mẹ cũng kêu gọi các trẻ hãy hy sinh và lần hạt Mân Côi để cầu cho các tội nhân sám hối. Vào ngày 13 tháng 10, phép lạ mặt trời đã xảy ra. Hằng ngàn người đã chứng kiến biến cố phi thường này, kể cả nhiều người ở xa. Vào dịp ấy, Đức Mẹ đã xưng mình với các trẻ là Trinh Nữ Mân Côi. Mẹ còn cho các em biết, ‘Nhân loại phải cải thiện đời sống và nài xin ơn tha thứ về các tội lỗi của họ… Đừng xúc phạm đến Thiên Chúa nữa; Người đã bị xúc phạm quá nhiều rồi.’
Năm 1987, khi nhớ lại cuộc hành hương Fatima năm 1982 của mình, Đức Gioan Phaolô II đã nói, Với chuỗi Mân Côi trên tay, với thánh danh Maria trên môi miệng, và bài ca lòng thương xót trong lòng, tôi cảm tạ vì Mẹ đã cứu tôi khỏi cuộc ám sát vào năm trước đó. Những cuộc hiện ra tại Fatima năm 1917 được minh chứng bằng nhiều dấu lạ phi thường, tạo nên một điểm qui chiếu và soi sáng cho thế kỷ của chúng ta: Mẹ Maria, Hiền Mẫu trên trời của chúng ta, đã đến để thức tỉnh lương tâm nhân loại, để chiếu tỏa ý nghĩa chân thực cho cuộc sống, để kêu gọi nhân loại sám hối và trở về với sự sốt sắng tinh thần, để đốt nóng các linh hồn bằng ngọn lửa tình yêu Thiên Chúa và bác ái với tha nhân. Đức Maria đến giúp đỡ chúng ta, bởi vì nhiều người vô phúc đã không muốn chấp nhận lời mời gọi của Con Thiên Chúa để trở về với mái nhà Hiền Phụ của họ.
Từ đền thánh tại Fatima, Đức Maria hôm nay lại gióng lên lời thỉnh nguyện từ mẫu và khẩn thiết: hãy trở về với Chân Lý và Ân Sủng; hãy trở về với đời sống các nhiệm tích, nhất là nhiệm tích Xá Giải và Thánh Thể; hãy tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, và sống tinh thần sám hối.2
Hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có thường xuyên đáp lại ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy linh hồn chúng ta, nhất là bằng bí tích Xá Giải hay chưa? Chúng ta có thường xuyên làm việc đền tạ vì tội lỗi quá khứ của chúng ta và của nhân loại hay chưa? Chúng ta có thường xuyên lần chuỗi Mân Côi, nhất là trong tháng Năm kính Mẹ hay chưa? Chúng ta đã muốn đưa bạn bè, thân nhân của chúng ta, như những người con hoang đàng, trở về với Chúa Kitô hay chưa?
35.2 Đức Trinh Nữ kêu gọi đền tạ vì tội lỗi nhân loại.
Sứ điệp Fatima trên căn bản là một lời mời gọi sám hối và hoán cải như trong Phúc Âm… Đức Mẹ trong sứ điệp ấy dường như đã đọc thấy, với một tri thức đặc biệt, những ‘dấu chỉ của thời đại,’ những dấu chỉ của thời đại chúng ta. Lời mời gọi sám hối là một lời mời gọi đầy tình từ mẫu, đồng thời cũng mạnh mẽ và dứt khoát.3 Hôm nay, trong giờ cầu nguyện, chúng ta hãy lắng nghe lời Mẹ, ngọt ngào nhưng nài nẵng, mời gọi từng người chúng ta hãy hành động.
Toàn bộ Phúc Âm vang lên những lời hãy sám hối, hãy sám hối.4 Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người bằng những lời: Hãy sám hối, vì nước Trời đã gần.5 Hai chữ sám hối nói lên thái độ quay về của tội nhân, biểu lộ một thái độ bên trong lẫn bên ngoài, hướng đến việc đền tạ vì những tội lỗi đã phạm.6
Đức Maria nhắc cho chúng ta: nếu không sám hối, nhân loại không thể đón nhận Nước Chúa; nếu không sám hối, con người vẫn ở trong nước tội lỗi. Theo lời Chúa, nếu không sám hối, tất cả sẽ phải chết.7 Trong lời rao giảng của các Tông Đồ cho Giáo Hội non trẻ, chân lý này bao giờ cũng chiếm một vị trí quan trọng.8 Mọi ngày giờ của Giáo Hội lữ hành dương thế là một thời gian sám hối Chúa ban – spatium verae poenitentiae - để đừng ai bị hư mất.9 Sám hối cần thiết, bởi vì tội lỗi vẫn còn đó và chúng ta không xa lạ với nó; bởi vì chúng ta phải đền tạ về tất cả những sai lỗi và yếu đuối của mình cũng như của đồng loại. Hơn nữa, nếu không có ơn đặc biệt và ngoại thường, không ai có thể đứng vững trong đàng lành. Theo lời Đức Gioan Phaolô II, Mục tiêu tối hậu của sám hối là làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa thiết tha và tận hiến toàn thân cho Người.10 Cha Sở họ Ars thường nói, Sám hối cần thiết cho linh hồn giống như hơi thở cần thiết cho sự sống của thân xác.11
Biểu hiện trước nhất của sám hối là ái mộ việc xưng thú các tội lỗi quá khứ và hiện tại. Trước tiên, chúng ta phải khát khao lãnh nhận bí tích Xá Giải; chuẩn bị một cách kỹ lưỡng với lòng ăn năn; sau cùng là vận động các bạn hữu và thân nhân của chúng ta đến với bí tích này trong niềm vui và lòng nhân ái. Tinh thần sám hối phải hiện diện một mức độ nào đó trong tất cả những hoạt động thường ngày: Chu đáo giữ thời khóa biểu, cho dù thân xác bạn phản kháng hoặc tâm trí bạn cố tránh né bằng cách tưởng tượng những điều vô ích. Sám hối là thức dậy đúng giờ, và cũng không từ bỏ - nếu không có lý do chính đáng – công việc mà bạn thấy khó hoặc rất khó để khởi sự và hoàn thành.
Sám hối là biết thực thi hài hòa các bổn phận với Thiên Chúa, với tha nhân, và với bản thân, bằng cách thực hiện những yêu sách đối với bản thân để có thể tìm đủ thời giờ cho mọi nhiệm vụ. Sám hối là trung thành giữ thời giờ dành cho việc cầu nguyện, mặc dù cảm thấy mỏi mệt, chán chường, hoặc khô lạnh.
Sám hối là luôn sống bác ái với mọi người chung quanh, bắt đầu là các thành viên trong gia đình. Sám hối là dịu dàng và tử tế với những ai đau khổ, bệnh tật, và yếu đuối. Sám hối là nhẫn nại trả lời cho những ai gây khó chịu và chán nản. Sám hối còn là ngưng công việc hoặc thay đổi chương trình của mình khi hoàn cảnh đòi buộc, trước tiên là vì những nhu cầu chính đáng và cần thiết của những người liên hệ.
Sám hối là chịu đựng một cách vui tươi hàng ngàn những kim đâm từng ngày; không từ bỏ nhiệm vụ mặc dù nhất thời mất hết nhiệt tâm; vui vẻ ăn những thức được dọn mà không càu nhàu.
Đối với các phụ huynh, và nói chung là tất cả những người có trách vụ coi sóc hoặc dạy dỗ, sám hối là sửa bảo khi cần thiết, không để mình bị thiên kiến vì quan điểm chủ quan, vì nhút nhát và cảm xúc.
Tinh thần sám hối giữ cho chúng ta không dính bén với những kế hoạch cứng nhắc về những dự án tương lai mà chúng ta đã đề ra và đã nhìn thấy những bước tiến và những thành công tuyệt vời. Chúng ta dâng lên Thiên Chúa một niềm vui khi hân hoan gạt bỏ những nỗ lực tệ hại của chúng ta, và để Người thực hiện những nét vẽ và những màu sắc theo sự lựa chọn của Người!12 Và kết quả là một tác phẩm kỳ diệu sẽ xuất hiện!
35.3 Dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria.
Một yếu tố trong sứ điệp Fatima là tận hiến thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria. Thực vậy, còn nơi nào cho thế giới đáng thương này của chúng ta nương ẩn an toàn hơn cho bằng Trái Tim Mẹ? Chúng ta sẽ tìm được ở đâu một sự chở che và nương náu vững vàng hơn? Tận hiến nghĩa là nhờ sự cầu bầu của Mẹ mà đến gần với chính Suối Nguồn sự sống phát xuất từ đồi Golgotha. Suối Nguồn này không ngừng trào tuôn ơn thánh và ơn cứu độ. Nơi đó, chúng ta phải liên lỉ thực hiện đền tạ vì tội lỗi thế giới. Nơi đó là một nguồn mạch sự sống và thánh thiện.13
Đức Pius XII - người được tấn phong giám mục vào đúng ngày 13 tháng 5 năm 1917, ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima - đã hiến dâng nhân loại, và đặc biệt là nước Nga, cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.14 Đức Gioan Phaolô II cũng đã thực hiện hành vi này. Chúng ta hãy hợp lòng với lời thỉnh nguyện của vị Cha chung: Ôi Hiền Mẫu của từng cá nhân và các dân tộc, Mẹ biết tất cả những nỗi đau khổ và những niềm hy vọng của họ. Với tình từ mẫu, Mẹ hiểu tất cả những cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và tối tăm đang đày đọa thế giới hiện tại, xin Mẹ đón nhận lời than van mà chúng con, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, kêu lên Trái Tim Mẹ. Với tình yêu của Hiền Mẫu và Nữ Tì Thiên Chúa, xin Mẹ ấp ủ thế giới nhân loại chúng con, thế giới mà chúng con trao phó và tận hiến cho Mẹ, vì Mẹ trọn niềm lo toan cho số phận đời này và đời sau của từng người và từng dân tộc.
Cách riêng, chúng con xin trao phó và hiến dâng cho Mẹ những cá nhân và những quốc gia đặc biệt cần được trao phó và hiến dâng. ‘Chúng con trông cậy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện, trong cơn gian nan thiếu thốn.’
Xin đón nhận niềm tín thác khiêm nhượng của chúng con và hành vi tận hiến này của chúng con!’15
Đức Trinh Nữ Maria luôn lắng nghe những lời chúng ta nài xin và cho chúng ta được nương náu nơi Trái Tim rất thanh sạch của Mẹ.
(www.dongcong.net)