Hội nhập
Ghi danh
9:20 SA
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

MỘT SỐ Ý NGHĨA THÁNH KINH CỦA LỄ TRO

17 Tháng Hai 20237:45 SA(Xem: 1667)
MỘT SỐ Ý NGHĨA THÁNH KINH CỦA LỄ TRO
H: Thứ tư Lễ Tro là gì?
Le_tro_1T: Thứ tư Lễ Tro là ngày bắt đầu Mùa Chay. Mùa Chay kéo dài bốn mươi ngày đến trước Thánh lễ Tiệc Ly.
H: Có phải thứ tư Lễ Tro bắt nguồn từ lễ hội ngoại giáo?
T: Hoàn toàn không. Thứ tư Lễ Tro chính thức bắt đầu vào khoảng năm 900 AD, ngay cả trước khi châu Âu được Kitô hóa và tín ngưỡng ngoại giáo dần dần bị xóa bỏ.
H: Tại sao lại gọi là thứ tư Lễ Tro?
T: Thực ra, thứ tư Lễ Tro là tên gọi thông thường. Tên chính thức là Ngày Xức Tro (Dies cinerum). Đó có thể được gọi là ngày Yom Kippur (Ngày xá tội) của Giáo hội. Nó được gọi là thứ tư Lễ Tro bởi vì, trước Thánh lễ Tiệc Ly bốn mươi ngày, nó luôn rơi vào thứ tư và nó được gọi như thế bởi vì vào ngày đó tại nhà thờ, các tín hữu được ghi dấu thánh giá với tro trên trán.
H: Tại sao họ lại ghi dấu thánh giá trên trán?
T: Bởi vì theo Kinh Thánh, ghi một dấu trên trán là biểu tượng về quyền sở hữu của một người. Bằng cách để trán của mình được ghi dấu thánh giá, điều này nói lên rằng người đó thuộc về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chết trên Thập giá.
Điều này là để mô phỏng dấu ấn thiêng liêng hoặc ấn tín đã được ghi trên một Kitô hữu khi họ chịu phép Rửa tội. Trong Bí tích này họ được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi và ma quỷ để trở thành con cái của sự công chính và của Chúa Kitô (Rm 6,3-18).
Nó cũng phỏng theo cách mà những người công chính được mô tả trong sách Khải Huyền, nơi chúng ta đọc thấy các tôi tớ của Thiên Chúa được bảo vệ: gồm có một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn:
“Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta.” (Kh 7,3)
“Chúng [châu chấu] bị cấm không được phá hại cỏ trên mặt đất, mọi loài xanh tươi và mọi cây cối, mà chỉ được phá hại những người không mang ấn của Thiên Chúa trên trán” (Kh 9,4)
“Tôi thấy: kìa Con Chiên đứng trên núi Sion; cùng với Con Chiên, có một trăm bốn mươi bốn ngàn người, mang danh của Con Chiên và của Cha Con Chiên ghi trên trán.” (Kh 14,1)
Điều này trái ngược với những người đi theo Con Thú, gồm có sáu trăm sáu mươi sáu người được thích dấu trên trán hoặc bàn tay của họ.
Đề cập đến việc đóng ấn trên các tôi tớ của Thiên Chúa để bảo vệ họ trong sách Khải Huyền quy chiếu về một đoạn song song trong sách tiên tri Êdêkien, nơi ông cũng thấy việc đóng ấn các tôi tớ của Thiên Chúa là để bảo vệ họ:
“Và Đức Chúa phán với người ấy: ‘Hãy rảo khắp thành, khắp Giêrusalem. Hãy ghi dấu chữ thập trên trán những người đang rên siết khóc than về mọi điều ghê tởm đang xảy ra trong khắp thành.’ Tôi lại nghe Đức Chúa phán với năm người kia: ‘Hãy đi theo người ấy vào thành mà chém giết. Đừng nhìn mà thương hại, đừng xót thương. Người già, thanh niên, thiếu nữ, cũng như đàn bà con trẻ, các ngươi hãy giết cho sạch; nhưng tất cả những ai mang dấu trên mình, các ngươi chớ đụng đến. Các ngươi sẽ bắt đầu từ Nơi Thánh của Ta.’ Và họ đã bắt đầu từ đàn ông, từ người già ở trước Đền Thờ.” (Ed 9,4-6)
Những gì bản văn này thực sự diễn tả, có nghĩa là vạch một chữ tav lên trán của những cư dân chính trực của Giêrusalem. Tav là một trong những chữ cái của bảng chữ cái Hípri, và trong chữ viết cổ, nó trông giống như chữ chi trong tiếng Hy Lạp, có hai dòng gạch chéo nhau (giống như chữ “X”) và là chữ cái đầu tiên trong từ “Kitô”, tiếng Hy Lạp là Christos. Các giáo sĩ Do Thái bình giải về mối liên hệ giữa hai chữ tav và chi và cho rằng đây là dấu mà sách Khải Huyền ghi khi các tôi tớ của Thiên Chúa được đóng ấn.
Các Giáo phụ thời đầu của Giáo hội nắm bắt mối liên hệ tav-chi-thập giá-christos này và giải thích nó trong các bài giảng của các ngài. Các ngài nhìn thấy ở lời tiên tri Êdêkien một hình bóng về việc các Kitô hữu được đóng ấn làm tôi tớ của Chúa Kitô. Đây cũng là nền tảng cho việc thực hành Công giáo về việc làm dấu thánh giá, trong những thế kỷ đầu (có lẽ từ thế kỷ thứ hai trở đi) được thực hiện bằng cách dùng ngón tay cái vẽ hình một dấu thánh giá nhỏ trên trán. Và trước khi đọc Tin Mừng trong Thánh lễ, người Công giáo ghi ba hình Thánh giá, trên trán, trên miệng và trên ngực.
H: Tại sao vẽ hình thánh giá bằng tro?
T: Bởi vì tro là một biểu tượng kinh thánh về sự than khóc và đền tội. Vào thời Kinh Thánh được biên soạn, thực hành việc thống hối và đền tội thể hiện qua việc ăn chay, mặc áo nhặm, ngồi trong đống tro bụi, và phủ tro lên đầu hối nhân. Mặc dù chúng ta không còn mặc áo nhặm hay ngồi trong bụi tro nữa, việc thực hành ăn chay và xức tro lên trán biểu tỏ một dấu hiệu về sự đau buồn và sám hối vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Đây là hai tâm tình chính của Mùa Chay. Quả thực, thứ tư Lễ Tro là một ngày không chỉ xức tro lên đầu mà còn là ngày ăn chay.
H: Có những ví dụ nào trong Kinh Thánh nói đến việc người ta xức tro lên trán?
T: Có một số ví dụ sau đây:
“Một người thuộc chi tộc Bengiamin từ mặt trận chạy về, và ngay hôm đó tới Silô, áo quần xé rách, đầu thì rắc đất.” (1 Sm 4,12)
“Sang ngày thứ ba, có một người từ trại, từ bên vua Saun đến, áo quần xé rách, đầu thì rắc đất. Khi đến gần ông Đavít, anh ta sấp mình xuống đất và sụp lạy.” (2 Sm 1,2)
“Tama lấy tro bụi rắc lên đầu, xé cái áo chùng dài tay cô đang mặc, đặt tay lên đầu, vừa đi vừa kêu la.” (2 Sm 13,19)
“Khi vua Đavít lên tới đỉnh, nơi người ta thờ lạy Thiên Chúa, thì này ông Khusai, người Ácki, đón gặp vua, áo chùng ông xé rách, đầu thì rắc đất.” (2 Sm 15,32)
H: Có những ý nghĩa thánh kinh nào về tro?
T: Có. Tro bụi tượng trưng cho cái chết và do đó nhắc nhở chúng ta về cái chết của mình. Vì vậy, khi linh mục dùng ngón tay cái của mình thấm tro để vạch hình thánh giá trên trán cho các tín hữu ngài có thể nói: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro”, được mô phỏng theo lời Chúa nói với Ađam (Sáng thế 3,19 ; x. Gióp 34,15; Thánh vịnh 90,3; 104, 29; Giảng viên 3,20). Lời này cũng được lấy lại trong lễ nghi an táng: “Tro trở về tro; cát bụi trở về cát bụi ”, dựa trên lời Đức Chúa nói với Ađam trong Sáng thế 3 và lời thú nhận của Ápraham, “Tôi chẳng là gì ngoài cát bụi ” (Sáng thế 18,27). Do đó, nó là một lời nhắc nhở về sự chết của chúng ta, đồng thời hối thúc chúng ta thống hối trước khi cuộc sống này kết thúc và chúng ta phải đối diện với Đấng xét xử mình.
H: Tro sử dụng trong thứ tư Lễ Tro lấy từ đâu?
T: Tro ấy được tạo ra bằng cách đốt những cành lá được giữ lại từ Chúa nhật Lễ Lá của năm trước, rồi được linh mục làm phép. Tro đã được sử dụng trong các nghi lễ của dân Do Thái từ thời Môsê (Ds 19, 9-10, 17).
H: Tại sao tro từ Chúa Nhật Lễ Lá của năm trước được sử dụng?
T: Bởi vì Chúa nhật Lễ Lá là biến cố dân chúng cùng với Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem trong sự hân hoan vui mừng. Họ cử hành sự xuất hiện của Người bằng cách reo hò vẫy những cành lá cọ, nhưng họ không biết rằng Người sắp chết vì tội lỗi của họ. Khi sử dụng những cành lá của Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta được nhắc nhở rằng chúng ta không chỉ vui mừng trước sự xuất hiện của Chúa Giêsu mà còn thống hối tội lỗi khiến Người phải chết nhục nhã để cứu chúng ta thoát khỏi hình phạt muôn đời.
H: Các tín hữu có buộc phải chịu xức tro trên trán không?
T: Không, không bắt buộc. Tuy nhiên, điều này rất được khuyến khích vì đây là một lời nhắc nhở thiêng liêng rất phù hợp, thể hiện hiện thái độ cầu nguyện, thống hối và khiêm tốn một cách cụ thể. Như thánh Giacôbê đã nói: “Anh em hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa và Người sẽ cất nhắc anh em lên”. (Gc 4,10)
H: Thứ tư Lễ Tro có phải là một ngày lễ buộc không, tức là một ngày chúng ta phải tham dự Thánh lễ?
T: Không, đó không phải là ngày lễ buộc. Tuy nhiên, tham dự Thánh lễ sốt sắng rất đáng khuyến khích, bởi vì khởi đầu Mùa Chay bằng một Thánh lễ thật là thích hợp. Thờ phượng Chúa một cách sốt sắng cùng với cộng đoàn anh chị em tín hữu là một cách tốt để đi vào Mùa Chay thánh. Ngoài ra, mặc dù đó không phải là ngày lễ buộc, Giáo hội dạy chúng ta ăn chay và kiêng thịt.
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung