Hội nhập
Ghi danh
7:16 SA
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

KIẾP BỤI TRO

12 Tháng Mười Một 20159:38 SA(Xem: 21854)

Trong ca khúc “Cát Bụi”, cố NS Trịnh Công Sơn khắc khoải về thân phận con người: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy?”, nhưng rồi ông lại thấy vui: “Ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi”. Ông tiếp tục tự vấn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm Ve bui trocát bụi?”, và ông than thở: “Ôi cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp không nguôi”. Lạ thay, cát bụi mà đôi khi cũng cảm thấy “mệt nhoài”!
Ông không là Kitô hữu, nhưng triết lý sống của ông rất gần với Công giáo. Triết lý của ông giản dị mà thâm thúy: “Sỏi đá cũng cần có nhau”, nghĩa là cần lắm tình yêu thương. Có yêu thương thì mới khả dĩ tha thứ. Tha thứ càng cần hơn, thực tế cho thấy rằng người ta càng có tuổi càng nhận thấy mình sai lầm nhiều, vì ai cũng “chợt một chiều tóc trắng như vôi”, để rồi “trăm năm vào chết một ngày”. Người ta dẫn đến cho Chúa Giêsu một phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang, Chúa Giêsu thản nhiên: “Ai trong quý vị sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:8). Kinh thánh ghi rõ: “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” (Ga 8:9). Thì ra người ta càng sống lâu càng nhiều tội lỗi! Chúa Giêsu đã có lần đặt vấn đề:“Sao bạn thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6:41), còn người đời vẫn nói thế này:
Chân mình còn lấm bê bê
Lại cầm bó đuốc mà rê chân người


KIẾP BỤI TRO

Chúng ta là những người rất “chảnh”, dù chúng ta chỉ là cát bụi, là bụi tro. Thế nên kiếp người luôn canh cánh nỗi lo, khiến chúng ta cứ “xoay mòn thành đá cuội” rồi lại “úp mặt bùi ngùi” – theo cách nói của NS họ Trịnh. Thật vậy, con người chẳng là gì, có chăng chỉ là cát bụi: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:19). Đó là điều chắc chắn 100%. Không chỉ vậy, con người còn luôn bị giằng co: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19). Chúa hiểu, Chúa chỉ cần chúng ta sống chân thành và tin cậy Ngài mà thôi, chứ Ngài không đòi hỏi quá sức chúng ta.
Trót phạm tội thì phải sám hối, đó là biết phục thiện. Nhưng chỉ sám hối thôi chưa đủ, chúng ta còn cần một vế “đức tin” nữa mới cân bằng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Lầm đường lạc lối thì phải trở về: “Hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van” (Ge 2:12). Trở về thật lòng, chứ không thể giả vờ hoặc “lấy vải the che mắt thánh”. Tuy nhiên, ăn chay và sám hối không cần “ra vẻ” ủ rũ, khắc khổ:“Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2:13). Chữ Ve bui troTÂM cần hơn chữ TẠI. Nội tại cần hơn ngoại tại.


Trở về phải can đảm nhận tội và tin tưởng. Đứa con phạm tội tày trời sẽ không dám trở về với cha mẹ vì sợ bị trừng phạt, sợ cha mẹ không tha thứ. Nhưng nó đủ can đảm và tin tưởng thì nó sẽ dám trở về. “Nước mắt chảy xuôi” nên cha mẹ có giận mấy cũng bỏ qua, vì tình thương lớn hơn cơn giận. Người đời còn như vậy huống chi Thiên Chúa. Ngài là Đấng “từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương”, và “Ngài hối tiếc vì đã giáng hoạ” (Ge 2:13). Thương lắm! Không giấy mực và không ngôn từ nào diễn tả hết tình thương ấy. Thế thì ai dại gì mà không trở về với Thiên Chúa?
Nếu chúng ta biết nhận tội: “Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại!” (Ge 2:17). Cầu nguyện như vậy là “chạm” vào “điểm yếu” của Chúa, chắc chắn Ngài không thể không thương xót chúng ta, vì cầu nguyện là sức mạnh của con người và là sự yếu đuối của Thiên Chúa. Nhưng Ngài thích như thế: “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Ngài, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân của Ngài. Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát” (Ge 2:18). Chúng ta chỉ là cát bụi mà dám lộng ngôn, lộng hành và phạm thượng. Nhưng mỗi “hạt bụi” vẫn được Thiên Chúa nâng niu, yêu quý, vì Lòng Chúa Thương Xót lớn hơn mọi tội lỗi. Nhiệm mầu quá, và trí tuệ chúng ta không thể nào hiểu hết!
Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh chị em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5:20). Thiên Chúa là “Đấng chẳng hề biết tội là gì, nhưng Ngài đã tự biến thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài” (2 Cr 5:21). Lại thêm điều khó hiểu nữa. Nếu thấy ai làm “chuyện khác người”, chúng ta cho người đó là dại dột, ngu xuẩn, hoặc điên khùng. Thế thì Chúa Giêsu đúng là người như vậy, quá “ngược đời”, cũng chỉ vì Ngài “yêu chúng ta quá mà hóa điên”.
Sau khi nhận biết “chất khùng điên” của Chúa Giêsu, thánh Phaolô cũng bị “lây nhiễm” loại “bệnh bất trị” của Ngài, thế nên ông tha thiết khuyên nhủ: “Anh chị em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu” (2 Cr 6:1). Hãy đứng dậy và quyết tâm trở về ngay, vì “đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6:2), nhất là khoảng thời gian mùa Chay này.
THÀNH TÂM SÁM HỐI
Giáo hội xức tro trên đầu chúng ta để nhắc nhớ thân phận con người: “Hãy nhớ mình là tro bụi, và sẽ trở về bụi tro”. Con người luôn đầy sai lầm, mỗi ngày chúng ta phải “xin lỗi Chúa” nhiều lần, đặc biệt hơn trong những ngày mùa Chay: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm”(Tv 51:3-5). Chúng ta thực sự “đắc tội với Chúa” vì đã “dám làm điều dữ trái mắt Ngài”. Chúng ta là những tử tội, không gì có thể biện minh nếu Ngài công bình tuyên án và liêm chính xét xử.
Nhưng Thiên Chúa không nỡ làm thế, Ngài vẫn kiên tâm chờ đợi chúng ta ăn năn sám hối, Ngài không muốn trừng phạt ai, không muốn ai phải hư mất (x. Mt 18:11; Mt 18:14; Ga 17:12), và không muốn ai phải chết. Yêu là khổ, không yêu thì lỗ. Đừng chần chừ, đừng lần lữa nữa, hãy trở về và yêu “tới bến”. Trái tim đã “tan vỡ” cũng đừng ngại, Chúa sẽ “đại tu” nó nếu chúng ta biết thân thưa:“Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:12-14).
Bản tính con người chuộng bề ngoài, thích phô trương, ưa vật chất, như ca dao Việt Nam có câu:
Thế gian chuộng của, chuộng công
Có ai lại chuộng người không bao giờ!
Ngay cả khi làm những công việc có “tính chất” tông đồ hay từ thiện, người ta cũng luôn muốn “chứng tỏ” mình để “nổi bật” trước người khác, đôi khi Chúa chẳng được lợi gì. Đó là điều rất nguy hiểm!
Thế nên, Chúa Giêsu căn dặn kỹ lưỡng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh chị em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng” (Mt 6:1). Và Ngài gọi những người đó là “bọn đạo đức giả”, chỉ “cốt để người ta khen” (Mt 6:2). Dạng người này không khó nhận thấy hằng ngày! Chúa Giêsu xác định:“Họ đã được phần thưởng rồi” (Mt 6:2).
Ngài bày cho “mẹo” này: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bạn bố thí được kín đáo. Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho bạn. Còn khi cầu nguyện, anh chị em đừng làm như bọn đạo đức giả: Thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba, ngã tư, cho người ta thấy”. Một lần nữa, Chúa Giêsu tái xác định: “Họ đã được phần thưởng rồi” (Mt 6:5). Ngài muốn rằng, khi chúng ta cầu nguyện, “hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Chúa Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6:6). Ngài nói rõ: “Khi ăn chay, anh chị em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: Họ làm cho ra vẻ thiểu não để thiên hạ thấy họ ăn chay” (Mt 6:16). Lại thêm lần thứ ba Chúa Giêsu khẳng định: “Họ đã được phần thưởng rồi” (Mt 6:16).
Chúa Giêsu rất ghét giả hình, rất ghét bề ngoài, rất ghét khoe khoang, rất ghét người “khoái nổ”, đúng là “nói lắm chậm việc”, nhưng Ngài rất thích sự âm thầm và kín đáo: “Khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy bạn ăn chay ngoại trừ Cha của bạn, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho bạn” (Mt 6:17-18).
Lời Chúa quá rõ ràng, không gì bóng gió, không gì khó hiểu, không thể viện bất kỳ cớ gì khác!

Lạy Chúa, chúng con thật lòng xin lỗi Chúa, xin ân thương tha thứ chúng con vì Lòng Thương Xót vô biên của Ngài. Chúng con xin tạ ơn Ngài, “xin mở miệng chúng con để chúng con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:17). Chúng con cầu xin nhân danh Đại Sư Phụ Giêsu Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.


Trầm Thiên Thu