Chúa đã phục sinh. Và bà Maria Mac-đa-la đã là người đầu tiên gặp được Chúa phục sinh (Tin mừng Ga 20, 11-18). Nếu chúng ta ngược về hai ngày trước sự kiện này, thì sẽ thấy còn có một sự kiện nữa. Đó là khi Chúa Giêsu Ngài còn bị treo trên cây thập tự cùng với hai người tội trộm; người tội trộm bị treo bên hữu Chúa Giêsu; với sự chân thành của mình trong những giờ phút sau cùng đã được Chúa ban cho một diễm phúc: “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi”. Và điều này cũng có thể được hiểu là người tội trộm bị treo bên hữu Chúa Giêsu mà truyền thống vẫn gọi là người trộm lành, đã là người đầu tiên bước vào nước trời. Rồi ngày hôm nay khi Chúa phục sinh, người đầu tiên gặp được chúa là bà Maria Mac-đa-la.
Được Chúa tỏ hiện đầu tiên sau khi Ngài phục sinh là một vinh phúc. Cái vinh phúc này lẽ ra phải được dành cho các môn đệ của Chúa Giêsu, những người đã từng sát cánh, cùng rong ruổi với Chúa Giêsu trong những năm tháng đi truyền giảng tin mừng. Thế nhưng vinh phúc đó lại được dành cho bà Maria mac-đa-la, một Maria Mac-đa-la đã từng lầm lỗi, được Chúa tha thứ và trở lại yêu mến Chúa thật nhiều. Như vậy đã có hai sự kiện: sự kiện người trộm lành là người đầu tiên được vào nước trời và sự kiện bà Maria Mac-đa-la là người đầu tiên gặp được Chúa sau khi Ngài phục sinh. Hai sự kiện mang nét chung đều là người diễm phúc đầu tiên ấy, đã xẩy ra rất gần nhau và lại xẩy ra vào giai đoạn quan trọng nhất trong công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa; cho thấy có một tinh thần lớn mà dường như Thiên Chúa Ngài muốn bộc lộ. Tinh thần ấy chính là : Thiên Chúa Ngài luôn dành nhiều ưu ái tràn đầy và đặc biệt cho những tâm hồn tội lỗi tìm về với lòng xót thương của Ngài. Trong những năm tháng truyền giảng tin mừng, Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “ Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính mà là người tội lỗi.”. Suốt ba năm truyền giảng tin mừng cho đến khi bị treo trên cây thập tự và cho đến khi Chúa phục sinh; tinh thần ấy đã được Chúa thực thi một cách trọn vẹn, vô cùng trọn vẹn.
Nếu chúng ta đặt thêm một câu hỏi vì sao Chúa lại dành quá nhiều ưu ái tràn đầy, đặc biệt cho những tâm hồn tội lỗi tìm về với lòng khoan dung của Ngài như vậy. Thì sẽ có câu trả lời: Đó là bởi vì sự hào phóng vốn có của ông chủ vườn nho tốt bụng muốn cho ai nhiều hay ít thì tùy theo ý của Người. Nhưng vượt lên trên hết có lẽ những tâm hồn tội lỗi, lầm lạc một khi đã tìm về lòng xót thương của Chúa; với sự ưu ái tràn đầy và đặc biệt Chúa dành cho, Chúa muốn những tâm hồn ấy vẫn cứ ở lại mãi trong tình thương của Ngài. Và điều này lại càng toát lên sự trọn vẹn, toàn hảo, vô bờ lòng xót thương của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta xem toàn bộ công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa như một bức tranh hoành tráng, tuyệt hảo. Một bức tranh mà Thiên Chúa Ngài đã cất công phác họa từ tận thời Cựu Ước, trải qua cả dòng lịch sử của dân tộc Do Thái, qua nhiều vị Ngôn sứ. Bức tranh ấy đã được hoàn tất nơi Chúa Ki-tô phục sinh. Và với sự kiện trong tin mừng-sự kiện bà Maria Mac-đa-la là người đầu tiên gặp được Chúa phục sinh-Sự kiện ấy đã điểm lên trên bức tranh đó một nét chấm phá làm cho nó toàn vẹn hơn, sinh động hơn. Để bên cạnh sự kiện trọng đại là Chúa Ki-tô phục sinh, chúng ta vẫn còn có thể tìm thấy thêm ý nghĩa nữa mà Thiên Chúa Ngài muốn bộc lộ với con người.
Hoàng Ngọc Tấn