Một ngày tất bật với cuộc sống, bạn trở về phòng buông người trên chiếc ghế với hơi thở dài mỏi mệt. Những “tiếng nấc” của chiếc đồng hồ treo tường trôi qua. Có bao giờ bạn giật mình, ý thức rằng mình đã đánh mất, hụt hẫng một cái gì đó trong cuộc sống không?
Rồi cuộc sống thường nhật cuốn chúng ta theo như những vòng xe. Cũng như những buổi chiều đi học về với khuôn mặt căng thẳng, mệt mỏi, vẫn những âm thanh của chiếc đồng hồ tích tắc! Tích tắc!
Bạn hãy bình tĩnh, trở về an trú thảnh thơi. Buông bỏ những lăng xăng trong tâm bạn. Bạn hít thở một hơi thật sâu với ý thức trọn vẹn, rồi bạn mỉm cười, một nụ cười trẻ thơ và bạn sẽ thấy cuộc đời đáng yêu, đáng sống lắm. Cuộc sống âm thầm vẫn dâng hiến những nguồn sống mầu nhiệm đấy chứ! Nhưng bạn lại thờ ơ, lãnh đạm với nó đấy thôi. Hãy mở cửa lòng ra và đón nhận đi bạn. Một áng mây trôi, một bầu trời xanh, một ngọn gió mát, một nụ cười trẻ thơ… hạnh phúc là thế đấy bạn ạ!
Sáng nay bạn dậy sớm nhé! Bỏ mọi ý niệm lăng xăng, hít thở những hơi thật sâu và lắng nghe; tiếng dế kêu, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, tiếng trống, tiếng chuông… hòa với những âm thanh vô ngôn của hoa lá, đã tạo thành hơi thở của cuộc sống bình dị thân thương. Ánh dương đang ló dệt những tơ trời trải nhẹ trên đám cỏ xanh. Tất cả tạo thành bản nhạc du dương trầm bổng của một ngày mới bắt đầu. Bạn hãy nở một nụ cười trọn vẹn đi!
Trong cuộc sống, chúng ta đi tìm hạnh phúc chân thật ở đâu? Không được rồi. Vậy hạnh phúc chân thật ở đâu nếu không là sự có mặt của ta trong giây phút hiện tại, với chánh niệm. Đa số trong chúng ta cũng thường bị cuộc sống của chính mình đánh lừa, chạy theo cái bóng của hư ảo, khi không nắm bắt được rồi đau khổ thở than. Bạn có đồng ý như vậy không? Bạn thấy đó, lâu đài hạnh phúc của bạn được xây dựng ở đâu? Có phải từ trên sự tham muốn, mong cầu không? Vì thế bạn luôn sống trong sự lo âu, sợ hãi. Những cái khổ luôn vây quanh bạn, nhưng bạn có bao giờ tìm được câu trả lời chính xác đâu.
Thật ra thì trong bạn, trong tôi và trong tất cả mọi người đều có nguồn tài sản vô giá đấy chứ. Chúng ta khổ là vì chúng ta không biết cách sử dụng. Ngày cứ nối ngày trong sự buồn chán, cố che giấu những khoảng hở thời gian bằng những trò giải trí, vùi đầu vào công việc, chứ không để một chút thời gian nào nhìn lại mình. Nhưng cuối cùng, cuộc chơi cũng sẽ tàn, sự thật thì không thể che giấu được, dù nó có trá hình trong bóng tối. Cuối cùng, điều chúng ta phải chấp nhận là già và chết. Nhưng nói đến đâu thì ai trong chúng ta cũng thường không bằng lòng. Bởi lẽ, ta thường trốn chạy sự thật. Nói cách khác là ta không dám đối diện với chính mình. Giả dụ rằng còn một năm hay một vài tháng nào đó bạn sẽ từ giã cõi đời. Lúc này có lẽ bạn sợ hãi và than tiếc lắm phải không? Có ích gì đâu bạn. Tại sao bây giờ bạn không sống tốt đi!
Helen Keller, nữ văn sĩ mù người Đức, tâm sự: “Tôi thường nghĩ rằng thật là “may” nếu mỗi người bị đui hoặc điếc vài ngày vào thời gian nào đó khi trưởng thành. Sự tăm tối sẽ khiến người ta biết thưởng thức thị giác nhiều hơn. Sự im lặng sẽ dạy cho người ta luôn cảm nhận những niềm vui của âm thanh. Gần đây tôi có hỏi một cô bạn vào dạo chơi một hồi lâu trong rừng trở về xem nàng quan sát thấy những gì? Nàng trả lời ngay: “Không có gì đặc biệt”. Tôi tự hỏi có thể nào đi dạo chơi trong rừng mà không thấy gì đáng nhớ! Tôi đây mù lòa mà còn thấy hàng trăm thứ. Làm gì tôi phải chú ý qua xúc giác. Tôi cảm thấy sự đối xứng, thật xứng, tinh vi của chiếc lá cây. Tôi đưa tay âu yếm sờ lên trên lớp vải nhẵn nhụi của cây thông màu bạc. Về mùa xuân, tôi sờ những cành cây, lòng tràn trề hy vọng tìm kiếm một chiếc nụ, dấu hiệu đầu tiên của thiên nhiên thức tỉnh sau giấc ngủ đông”.
Những lời tâm sự của nữ văn sĩ mù kia, chắc hẳn trong mỗi chúng ta sẽ biết nhìn đúng đắn về cuộc sống hơn và quý hơn những phút giây trôi qua của kiếp người, phải không bạn? Tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp của Albert Canucs, tựa là “Người xa lạ” (L’Etranger). Cuốn đó đã làm cho tôi giật mình. Trong ấy tác giả thuật chuyện một tù nhân vi phạm tội giết người trong một cơn giận dữ nên đã bị tuyên án tử hình. Anh tên là Meursault. Chỉ còn ba ngày nữa thì anh sẽ bị đem ra máy chém. Chuyện xảy ra ở Algéria. Anh Meursault là một người da trắng, sinh ởAlgérie. Nằm trong phòng giam không có cửa sổ, ngước nhìn lên phía trên trần anh thấy một khung kính vuông. Buổi sáng đó không biết nhờ phúc duyên gì mà anh ta tiếp xúc được với trời xanh. Trời xanh ở đây chỉ là một mảnh trời vuông thấy qua một khung kính nhỏ. Bỗng nhiên tiếp xúc được với trời xanh, anh ta sung sướng vô cùng. Đây là lần đầu tiên anh tiếp xúc được với màu trời xanh. Có nghĩa là trong bốn mươi năm của cuộc đời, anh chưa bao giờ thật sự nhìn trời và tiếp xúc được với trời. Và bây giờ anh nhìn thật lâu với ý thức trọn vẹn và mỉm cười, nụ cười đầy mãn nguyện.
Mỗi chúng ta xưa nay là anh tử tù ấy. Với ý thức trọn vẹn, bạn hãy cùng tôi cười lên đi. Cuộc đời sẽ nở hoa mà! Bạn cùng tôi bước những bước thảnh thơi hành trình về miền đất của tình thương chan hòa. Tay bạn trong tay tôi cùng hát bài ca âm thanh của cuộc sống. Lời của Jeanpenlsartre mà tôi rất tâm đắc: “Cuộc sống như một quyển sách, kẻ dại khờ dở qua nhanh chóng, người khôn ngoan thì vừa đọc vừa suy ngẫm. Vì biết rằng mình chỉ đọc một lần”.
Vậy “Tâm bình thế giới bình” là Niết Bàn Tịnh độ chứ nào phải tìm kiếm đâu xa.
Trong tâm thái hồn nhiên, niệm và tỉnh giác, bạn và tôi có thể mỉm cười khẽ hát:
“Ba cõi lầm mê tâm tịch tịnh
Một đời sanh tử tánh thường như
Sớm mai thấy nụ hoa hồng nở
Nhẹ gót trần sa mộng tỉnh rồi”.
Nguồn sưu tầm internet ~ Gởi bởi Kimberly Nguyen