Bạn muốn gặp hạnh phúc ư? Hãy đặt điện thoại xuống, tắt máy tính đi và gấp sách vở lại; dắt xe ra, đi bộ cũng được; tìm đến những người nghèo khổ ở bất cứ nơi nào bạn đi qua và bắt gặp...
Một nhân vật Hy Lạp cổ đại cho rằng: “điều đúng đắn nhất đó là sự công bằng; điều tốt đẹp nhất chính là sức khoẻ, nhưng điều sung sướng nhất đó là có được những gì mình mong muốn”[1]. Quả thật, con người là những hữu thể hữu hạn mang trong mình vô hạn những ước ao. Do đó, còn gì sung sướng hơn trong cuộc đời cho bằng được thoả mãn tất cả những khát vọng sâu kín nhất nơi tâm hồn đầy khắc khoải. Thế nhưng triết gia Aristotle lại nghĩ khác. Ông cho rằng: “Trong tất cả mọi sự, Hạnh Phúc mới là điều đúng đắn nhất, tốt đẹp nhất và sung sướng nhất”[2]. Vậy Hạnh phúc thực sự là gì? Con người có thể và làm thế nào để đạt được hạnh phúc trong thân phận “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh” của mình? Trong khi đó, ngày ngày người ta cứ phải đối diện với biết bao nỗi niềm thổn thức nơi trái tim dập nát, đầy thương tích mỗi khi ngày sắp tàn và màn đêm ập đến – nơi mà chỉ còn ta với ta trong sự tĩnh mịch của thời gian và không gian vô ảnh.
Thật vậy, cứ mỗi lần hoàng hôn buông xuống, ánh chiều tà lại chạng vạng chiếu những tia sáng lập lòe yếu ớt như một sinh linh đang hấp hối cố níu giữ chút hơi tàn trước sự giằng giật của bóng đêm vĩnh cửu, ấy thế mà nó vẫn cố nhuộm vàng tất cả những gì mà nó lướt qua nhanh như một tia chớp xé toạc mảng cô vân trên cõi thinh không của đất trời. Tất cả như muốn trốn chạy cái bức màn đen tối đặc khệt đang rần rần chụp xuống. Dường như ai nấy đều vội vàng oằn mình kéo lê khối-vật-chất-tôi lì lợm trên nền cát trồi sụt của phận người hư thực tiến về cùng đích đời mình. Trớ trêu thay! Biết về đâu khi trời đã tối? Chạy đi đâu cho thoát cảnh ba đào? Mang trong thân xác dễ hư hoại nỗi khắc khoải về chốn siêu việt, con người như bị trói chặt vào sợi dây thái cực vô hình, để rồi cứ phải lầm lũi kiếm tìm phương thuốc chữa bệnh nhân sinh và giải mã các bí ẩn của hiện tượng con người: phải chăng sống là phù du, đời là bể khổ?
Chẳng thế mà khi vừa chật vật trồi ra khỏi thế giới riêng tư, êm ấm trong cung lòng mẹ, hầu như ai cũng ra sức gào thét thật to như muốn thu hút sự chú ý của người khác và như muốn khẳng định rằng: tôi đang hiện hữu! Quả thực sau đó, sự hiện hữu của sinh linh bé bỏng ấy ít nhiều cũng được thừa nhận bởi sự âu yếm vỗ về của những cái tôi khác với nụ cười hả hê và ánh mắt đầy vẻ đắc chí như thể họ vừa giành được chiến lợi phẩm cho kẻ thắng cuộc. Thế rồi càng lớn lên, cái tôi nhược tiểu ấy càng cảm nhận cùng lúc rằng thế giới độc nhất vô nhị của bản-ngã-mình ngày càng mờ phai và nỗi nhớ da diết cái siêu ngã thuở ban đầu cứ dày vò linh hồn nó mãi khôn nguôi.
Sở dĩ bản ngã càng lúc càng mờ phai vì từ lúc thành thai trong lòng mẹ, bản ngã là thế giới, cho đến khi mang hình hài trọn vẹn của một hữu thể tại thế và được sinh thành, thế giới là tổng thể của bản ngã và mẫu ngã. Sau đó, thế giới là tổng thể của bản ngã và gia đình, trường học, cộng đồng rồi đến thế giới đại đồng như là nơi hiện hữu của vạn vật, trong đó có bản ngã. Chính vì thế giới ngày càng được nới rộng, và càng lạc vào chốn hồng mông hồng bàng ấy, bản ngã càng khó tri nhận và định vị chính mình. Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu?[3] Tôi có thể lượng định được độ dài-rộng-cao-sâu của chính tôi hay không? Thế là bản ngã bước vào một cuộc phiêu lưu đầy huyền nhiệm để đi tìm cái siêu ngã vốn toàn hảo và vượt trên mọi sự xoàng xĩnh của kiếp sống trần ai này. Khổ một nỗi: càng đi tìm lại càng chẳng thấy, thấy xa xa tiếc những ngày qua, thời gian trôi trôi mãi chẳng dừng, lìa đời tạ thế ai tìm được chưa?[4]
Thật vậy, người khôn ngoan cũng như kẻ khờ dại, tất cả đều phải chịu chung một số kiếp phù du. Trau dồi minh triết cũng chỉ thêm phiền muộn, thâu lượm hiểu biết rồi cũng nếm nhục nuốt sầu. Dân ngu ngơ thì được người đời thương hại. Nhưng thế gian mấy kẻ tự nhận mình là dại với khờ? Người phú gia lấy thú khoe của làm hạnh phúc ngụy đời, kẻ cơ bần mượn nụ cười nhạt làm lẽ ủi an. Sinh thời tay trắng bàn tay, tử tận vẫn là hai bàn tay trắng.[5] Con người dường như chẳng thể được hạnh phúc vì ước vọng thì vô cùng mà sự thỏa mãn lại chẳng bao nhiêu. Giả như có đáp ứng được nhu cầu này thì nhu cầu khác lại nảy sinh: nhu cầu đẻ ra nhu cầu. Cứ thế, cái sự thật trần trụi và bi đát nhất của nhân hữu chính là đau khổ.
Người ta cứ phải mệt nhoài trong cuộc chạy trốn khỏi bàn tay tinh quái của bóng ma bất hạnh, đến khi không thể lê bước tiếp được nữa, con người bị buộc phải dừng lại và cũng nhờ đó mà cái tôi suy tư có chút không gian tinh thần để chất vấn về tồn tại của mình: Tại sao mình cứ phải trốn chạy? Thay vì cố gồng mình lên để được tự do khỏi đau khổ, thì tại sao mình không đứng lại và chiến đấu để giành lấy tự do cho những điều cao quý hơn?… Cứ như thế, một loạt các câu hỏi hiện sinh ập đến cật vấn lòng người. Sau tất cả, con người đi đến chỗ chân nhận rằng: tìm cách để tránh né đau khổ không phải là giải pháp cho vấn nạn nhân sinh cho bằng phải hướng cuộc đời mình nhắm tới một mục đích nào đó.
Thế nhưng trong số muôn trùng con sóng giữa biển khơi mênh mông vô định, con người biết cưỡi thuyền đời lên con sóng nào để có thể cập bến an bình? Hơn nữa, trong mạng lưới mơ hồ dày đặc của lớp sương huyền ảo của non non nước nước, ta biết nơi nào mới là bến bờ chân thật? Sẽ có những lúc, ta tưởng chừng như đã nhìn thấy hạnh phúc đang lấp ló đằng sau lớp sương mù huyền bí ấy, nhưng khi đến gần hơn, ta toan đưa tay ra chụp lấy thì nó lại hững hờ tan biến cùng với làn sương hư ảo. Tất cả những gì còn lại trước mắt ta chỉ là một lớp sương mù khác dày đặc hơn, mịt mù hơn, để rồi lại một lần nữa, ta bị quăng ném vào mớ bòng bong của bến với bờ.
Chính khi cảm thấy cô đơn, trống trải và u sầu; khi không thể vui hưởng hạnh phúc trong căn phòng nội tâm của mình như thế, người ta thường tìm đến bạn bè hay những sự vật bên ngoài để mưu cầu hạnh phúc. Chẳng hạn, nhiều người đã lao mình vào một đời sống khoái lạc, danh vọng hay tiền bạc để giải quyết vấn nạn nhân sinh. Tuy nhiên, theo triết gia Aristotle[6], cả ba lối sống ấy dường như không phải là điều mà con người nên theo đuổi để rồi chỉ dừng lại ở chính điều đó. Lý do là vì: khoái lạc tưởng chừng khiến người ta cảm thấy hài lòng và mãn nguyện, nhưng thực ra nó biến họ trở thành nô lệ và sống một đời sống chẳng khác nào loài cầm thú; danh vọng của đời sống chính trị ư, nó cũng ít nhiều bộc lộ vẻ bất toàn, vì nó dường như tùy thuộc vào người vinh danh hơn là chính người được vinh danh. Đó là lý do mà một người nổi tiếng chỉ được biết đến bởi những người biết đến anh ta mà thôi, và tất nhiên nó cũng chẳng trường tồn hoặc chẳng may người ấy gặp phải một tai ương nào đó thì rồi ra người ta sẽ chẳng kể họ vào số những người hạnh phúc trên đời. Chuyện tương tự cũng xảy ra với những người chỉ chăm chăm sao cho mình được lắm tiền nhiều của, vì xét cho cùng, tiền bạc luôn luôn và mãi mãi chỉ là phương tiện chứ tự nó không bao giờ là mục đích cả.
Sau cùng, tất cả những huyên náo và sự bận rộn của các dạng đời sống ấy chỉ có chức năng chuyển hướng những suy tưởng về nỗi bất hạnh của chúng ta và ru ngủ chúng ta trong sự vui thích bề ngoài mà thôi…Vì khi không có những sự ồn ào đó, ta thường nhìn thấy rõ sự bất hạnh của mình hơn. Đó là lý do tại sao người ta lại yêu thích sự ồn ào và náo động nhiều đến thế! Nhưng khi khoảnh khắc khoái lạc vụt tan đi như làn hơi trong cơn mộng tưởng, rồi quăng lại tâm hồn một nỗi bâng khuâng, cô độc vô diện ảnh, làm cho lòng trí và tâm can con người vốn đã sầu lại càng sầu thêm, khi ấy, người ta nhận ra một sự thật có phần nghiệt ngã rằng, ở chốn trần ai này: “điều duy nhất an ủi cho những đau khổ của chúng ta chính là sự tiêu khiển, nhưng nó lại dẫn ta đến với cái chết một cách vô thức.”[7]
Vì thế, nếu không nâng tâm trí mình vượt lên khỏi những sự thể tầm thường thân cận, con người sẽ mãi lẩn quẩn trong sự tù túng chật hẹp nơi bản chất bấp bênh của mình, để rồi cứ mải miết đi tìm hạnh phúc trong vô vọng cách vô ích. Cho nên, nhà khoa học Pascal trong tác phẩm Pensées cho rằng, hạnh phúc chân thật chỉ có thể được tìm thấy và lãnh nhận nơi một mình Thiên Chúa. Trong đó, nhà khoa học vĩ đại này đã nói đến một cuộc cá cược kinh điển về việc tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa, rằng nếu thắng, bạn sẽ được tất cả, còn nếu thua, bạn sẽ chẳng mất gì. Bởi thế, Pascal đã hối thúc người ta rằng: “đánh cược thôi, không chút do dự rằng Thiên Chúa hiện hữu, để có được hạnh phúc và sự sống đời đời!”[8] Còn những người không tin vào Thiên Chúa sẽ hầu chắc luôn cảm thấy đau khổ và bất hạnh. Nhưng tin Thiên Chúa hiện hữu thôi thì chưa đủ. Cần thiết phải dấn thân vào một cuộc gặp gỡ hiện sinh với Người ngang qua những người nghèo khổ như một phương thức có phần hữu hiệu và bảo đảm cho hạnh phúc trường tồn [x. Mt 25, 31-46].
Vậy, bạn muốn gặp hạnh phúc ư? Hãy đặt điện thoại xuống, tắt máy tính đi và gấp sách vở lại; dắt xe ra, đi bộ cũng được; tìm đến những người nghèo khổ ở bất cứ nơi nào bạn đi qua và bắt gặp; trò chuyện với họ, lắng nghe họ và nhìn vào vực sâu của những giọt nước mắt lăn trên gò má họ; chia sẻ cho họ những những gì bạn có thể chia sẻ…vv. Khi ấy, bạn sẽ thấy những vấn đề mà bạn đang phải đối diện như được hòa tan trong đại dương những vấn đề của họ; nước mắt của họ sẽ lau khô giọt lệ trong lòng bạn và bạn sẽ thấy tâm hồn mình được lấp đầy cách trào tràn như thế nào! Lúc đó, bạn sẽ không cần phải nhọc công kiếm tìm hạnh phúc nữa, nhưng chính hạnh phúc sẽ đến gặp gỡ và ở lại với bạn!
Hv. Văn Tài, S.J.(dongten.net)