CÁI NGẮN NGỦI CỦA MỘT ĐỜI NGƯỜI
Cảm nghiệm về sự ra đi đột ngột của một người bạn.
Thời gian còn trai trẻ, mỗi khi đọc hay nghe ai đọc câu
“Hạnh phúc người để luôn giờ chết trước mắt và ngày ngày dọn mình sẵn luôn” (Imt 23:15)
tôi đều thấy khó hiểu và cho rằng câu nói chẳng có nghĩa lý gì!
Con người ta, nhất là trong lứa tuổi mới lớn với tầm nhìn về tương lai đầy hứa hẹn mà lại để cái chết trước mặt mà suy ngắm thì còn nghị lực, còn khả năng gì nữa để mà tiến tới. Một câu nói, một tư tưởng bi quan, chán đời, chỉ phù hợp cho những người già nua, bệnh tật, và vô vọng.
Và cho đến bây giờ, thỉnh thoảng nghĩ tới câu nói ấy tôi cũng vẫn chưa hoàn toàn nhận ra được ý nghĩa thâm sâu của nó, mà nếu đôi lúc hiểu được thì lại không muốn đối diện với sự thật. Bởi lẽ chết là một cái gì quá đau thương, mất mát, và buồn chán. Nhưng như một định luật, muốn hay không muốn con người vẫn phải đối diện với sự thật phũ phàng này!
Qua sự ra đi đột ngột của Thái ở tuổi 54, tôi lại có thêm một dữ kiện để thêm vào những lý lẽ cho sự suy nghĩ về cái ngắn ngủi của cuộc đời. Về giá trị cuộc sống, và những gì mà con người có thể làm cho mình và cho tha nhân trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy.
Mẹ chết chưa đủ 100 ngày, nay đến Thái. Tin Thái qua đời còn đang nóng bỏng, lại được tin một người bạn khác phải vào bệnh viện. Và sáng nay lại tham dự thánh lễ an táng cho một người nữa. Trẻ và già. Khỏe mạnh và bệnh tật. Sống và chết. Không thể ngờ được tại sao những biến cố này lại xẩy ra dồn dập như thế. Tự nhiên, tôi cũng cảm thấy lo sợ. Không biết lúc nào đến lượt mình?!
Suy nghĩ về sự chết, tôi bỗng nhớ lại câu truyện mà tôi đã trao đổi với một người quen sau thánh lễ an táng của cụ bà sáng nay.
Câu truyện xoay quanh một bác sỹ hồi hưu, yếu đuối, và tâm trí xuống dốc mỗi ngày một nhiều hơn.
Bà sống cô độc trong một chung cư, và bị bao vây bởi một số người thân. Sự bao vây được hiểu là không do lòng tốt mà là lợi dụng, và có lẽ những người ấy đang chờ đợi phần gia tài còn lại của vị bác sỹ này. Câu truyện đã kết thúc với quyết tâm của tôi và người đối thoại là, cần phải sống sao trong lúc tuổi còn trẻ, và cần phải làm gì cho mình, cho đời khi thời gian còn được phép. Đợi cái chết bất ngờ đến, hoặc đợi lúc tuổi già không còn kiểm soát được mình nữa thì dù có muốn cũng không làm được gì, cũng không cứu vãn được tình huống.
Nhưng giữa cái chết của một người trẻ, một người cao niên, và giữa cơn bệnh đang đe dọa mạng sống của người bạn trung niên, tôi muốn hướng tầm nhìn và suy tư của mình về với thực tại cuộc sống, về những gì mà mình có thể làm để nâng cao giá trị và hạnh phúc hôn nhân của chính mình. Những lời sau đây của Phượng đã tâm sự sau cái chết của Thái khiến cho điều suy nghĩ của tôi càng thêm vững vàng:
“Lúc này em cảm thấy trống vắng và rất cô đơn. Em nhớ những ngày bên anh Thái. Em nhớ cả những lúc vợ chồng giận hờn và cãi vã nhau. Và giờ đây, em không ngờ chính những giây phút ấy cũng là những giây phút mà chúng em có được bên nhau. Bây giờ lái xe một mình, đi lại con đường mà lúc trước khi anh Thái còn sống lái, ngồi bên em vẫn cằn nhằn, chỉ chỏ lái đường này, đường khác. Thế mà bây giờ tự nhiên, em chỉ thích lái trên những con đường mà anh Thái đã lái, đã đi trước.”
Hoặc như vị bác sỹ hồi hưu kia, nếu có làm một phân tích tâm lý về bà, về những gì bà đang hiện suy nghĩ nhiều nhất lúc này, chắc chắn người ta sẽ khám phá ra đó là một chân trời kỷ niệm của những ngày tháng cũ. Những ngày tháng bên người chồng, bên những người con. Những ngày tháng trộn lẫn giữa cãi vã, giận hờn, khó chịu và hạnh phúc như chính tôi đã có lần được nghe bà tâm sự trước đó khi đến thăm bà. Hôm đó, sau những lời lẽ chào hỏi, bà đã dẫn tôi đi khắp phòng khách của bà chỉ chỏ và nói huyên thuyên về những tấm hình mà bà đã chụp hồi còn thanh xuân với người chồng quá cố. Những tấm hình mà bà mỗi ngày không ngừng nhìn ngắm và trân quí. Nhất là lọ tro cốt người chồng của bà mà bà vẫn giữ trong nhà đặt trên một nơi trang trọng.
Hoặc như vợ người bạn của tôi, hơn một tháng nay suốt ngày đêm luôn luôn ở bên giường bệnh của chồng, lau mặt, bóp chân tay, còn miệng thì lâm râm cầu khấn cho chồng mau bình phục.
Nhưng câu hỏi được nêu ra là trong những ngày tháng bên nhau liệu có ai biết trân quí món quà mà Thượng Đế đã ban cho mình không?
Món quà mà cũng chính mình lựa chọn và yêu thích?
Có chứ. Yêu lắm chứ. Thương lắm chứ. Hạnh phúc lắm chứ.
Nếu không sao gọi là chồng, sao gọi là vợ, sao gọi là người anh yêu, người em thương.
Và dĩ nhiên, trong chân trời yêu thương, lãng mạn và hạnh phúc ấy chắc chắn cũng đôi lúc vẩn lên những áng mây đen của giận hờn, của bất hòa, của khó chịu và của những ý nghĩ muốn vứt bỏ đi cho xong một gánh nặng!
Giải thích làm sao đây?
Dễ hiểu mà: “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau”. Định luật tình yêu là thế.
Khi yêu lắm, thương lắm thì ai cũng cứ tưởng rằng mình là người số một, người đầu tiên, người không thể thay thế trong hành trình chồng vợ.
Chính do ý nghĩ “tự tôn”, suy nghĩ “một chiều” ấy mà nảy sinh những khác biệt, và hậu quả là khó chịu, là đau đớn lòng nhau.
Đời mà! Giả như không có những giây phút giận hờn, khó chịu, mệt mỏi với nhau ấy họa may mấy ai nhận ra tình yêu của nhau.
Thì ra, ẩn sau những áng mây đen vần vũ kia là mặt trời tình yêu nóng bỏng.
Và những giây phút giận hờn, cãi vã, khó chịu ấy cũng đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hạnh phúc tình yêu của hôn nhân.
Suy nghĩ về cái ngắn ngủi của cuộc đời, về thời gian con người có với nhau trên hành trình hôn nhân gia đình, phải đem chúng ta đến một cái nhìn tích cực. Nó sẽ giúp chúng ta biết trân quí những giây phút bên nhau.
Những bữa cơm gia đình thân mật, những buổi trưa hè nóng bức, cũng như những buổi tối ấm cúng bên nhau.
Những lúc vợ chồng cùng hòa thuận thương yêu nhau, cũng như những lúc bất hòa và khó chịu.
Những lúc thành công cũng như những lúc thất bại.
Chúng là những sắc mầu đen, đỏ, trắng, vàng, hồng, nâu, xanh, xám trong một bức tranh mà nếu thiếu bất cứ một chấm phá nào cũng làm cho bức tranh mất đi giá trị và nét đẹp nghệ thuật của nó.
Tóm lại, nếu suy về sự chết giúp ta sống cho ý nghĩa cuộc đời, thì những suy nghĩ về những giây phút ngắn ngủi của cuộc đời cũng đem lại cho vợ chồng những động lực mới giúp vượt qua những bất hòa, những thử thách, kể cả những đau thương gây ra do những bất đồng và khác biệt về tâm lý, về tâm sinh lý, về học thức, về tôn giáo, về ảnh hưởng giáo dục gia đình để tình yêu ngày càng thêm khăng khít, và nồng nàn.
Tôi muốn khép lại những suy tư của mình bằng một tư tưởng sau đây:
Đừng than phiền, đòi hỏi quá nhiều...
Mai đây, chưa biết những gì ... sẽ tới !
Quy luật “Vô thường” luôn đúng ...
Xin đừng phí phạm hạnh phúc trong tay !
Trần Mỹ Duyệt