ĐỪNG ĐỂ LỠ CƠ HỘI GẶP CHÚA
Đức Giêsu trở về thăm quê nhà. Ngày Sabat, ngày lễ nghỉ hàng tuần, dân làng đến hội đường nghe đọc sách thánh và hát thánh ca từ 9 giờ đến 12 giờ trưa.
Đức Giêsu và các môn đệ cùng tiến vào hội đường cầu nguyện. Đọc sách luật và thánh vịnh xong, Đức Giêsu đăng đàn giảng thuyết như một giáo dân tham dự vào chức tư tế. Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường. Gương mặt Ngài luôn tỏa ra nét dịu hiền, mến yêu, đầy thiện cảm. Giọng điệu tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn. Ý tứ Ngài trình bày đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Họ cảm thấy thấm thía sự kỳ diệu của nước Thiên Chúa. Họ cảm nhận lòng nhân ái Chúa Cha trên trời. Họ cảm phục về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu đòi hỏi mọi người phải sống thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Sao ông ta được khôn ngoan như vậy? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì?”
Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu bởi đâu? Họ tìm về nguồn gốc chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon.” Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nagiarét này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, lang thang từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cầy bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông nói năng, làm được gì hay lạ đâu? Ông bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế! Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.
Còn Đức Giêsu, ai đã huấn luyện Ngài? Ai đã ban quyền phép làm những việc kỳ diệu như thế? Thân nhân bảo Ngài “mất trí.” Kinh sư chụp mũ Ngài “nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ.” Dân chúng chỉ biết ngạc nhiên: chưa từng thấy ai ăn nói, hành động có uy quyền lạ lùng như vậy. Môn đệ đi theo sát Ngài cũng chỉ biết hỏi: “Ngài là ai mà bão biển phải tuân lệnh.” Chẳng thấy ai huấn luyện Ngài, chẳng thấy Ngài học tập kinh sư nào. Chỉ thấy Ngài vào nơi thanh vắng, ngước mắt lên trời cầu nguyện. Trong âm thầm Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha trên trời. Đó chính là bí quyết làm cho Ngài khôn ngoan và đầy quyền phép để trừ hàng ngàn quỷ dữ, chữa hàng trăm bệnh nhân mà loài người phải bó tay, cho kẻ chết sống lại, bắt cuồng phong lặng yên…
Dân làng biết Ngài khôn ngoan. Kinh sư thấy Ngài trừ quỷ. Môn đệ được Ngài cứu khỏi chết giữa biển cuồng phong. Nhưng họ chẳng biết Ngài là Con Một Thiên Chúa, chẳng biết Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa; vì thương yêu loài người, đã xuống thế làm người sống với họ như anh em, như bạn bè, để cứu họ khỏi chết đời đời.
Dân làng Nazarét quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu. Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài. Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch.” Mc. Kenzie nói: Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người định kiến hẹp hòi nhìn bằng kính hiển vi.”
Còn Đức Giêsu thì luôn âm thầm, kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: “Không ai là tiên tri cho xứ sở mình.” Một câu chuyện quen thuộc nhưng đáng buồn “Ngôn sứ không được quê hương mình chấp nhận.” Đức Giêsu thật ngạc nhiên vì thấy họ không tin. Ngài rất muốn giúp đỡ họ nhưng cũng đành phải bó tay. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật.
Chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay. Rất nhiều khi chúng ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ, nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì chúng ta cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì ta cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì. Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6, 23.26). Lối hành xử như vậy là coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.
Đức Giêsu buồn nhưng không cay cú, không tức giận. Ngài quyết định đem ánh sáng và quà tặng thần linh đi đến nơi khác. Những người ở làng quê Nagiarét đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa làm một thường dân đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ chỉ biết gia đình Ngài rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi thường Ngài. Họ không tin Ngài. Họ hất hủi Ngài. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Ngài bỏ Nagiarét đi đến các làng chung quanh. Và Ngài sẽ chẳng bao giờ trở lại Nagiarét nữa. Đó là cơ hội cuối cùng cho họ.
Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta. Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta. Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến.
Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương. Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở con mắt đức tin cho mọi người được thấy những sự khôn ngoan, quyền phép lạ lùng của Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động trong Giáo Hội, trong thế giới và cả trong vũ trụ, mà con mắt phàm trần không thể thấy được, để họ biết ca ngợi Chúa muôn đời. Amen.
LM Giuse Nguyễn Hữu An
Đức Giêsu trở về thăm quê nhà. Ngày Sabat, ngày lễ nghỉ hàng tuần, dân làng đến hội đường nghe đọc sách thánh và hát thánh ca từ 9 giờ đến 12 giờ trưa.
Đức Giêsu và các môn đệ cùng tiến vào hội đường cầu nguyện. Đọc sách luật và thánh vịnh xong, Đức Giêsu đăng đàn giảng thuyết như một giáo dân tham dự vào chức tư tế. Vẻ uy nghi trang trọng của Ngài khác thường. Gương mặt Ngài luôn tỏa ra nét dịu hiền, mến yêu, đầy thiện cảm. Giọng điệu tự nhiên của Ngài càng hấp dẫn dân chúng hơn. Ý tứ Ngài trình bày đơn sơ trong sáng hợp với tâm trí mọi người. Họ cảm thấy thấm thía sự kỳ diệu của nước Thiên Chúa. Họ cảm nhận lòng nhân ái Chúa Cha trên trời. Họ cảm phục về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu đòi hỏi mọi người phải sống thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Họ ngạc nhiên thì thầm với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Sao ông ta được khôn ngoan như vậy? Ông ta làm được nhiều phép lạ như thế nghĩa là gì?”
Họ chẳng biết sự khôn ngoan và quyền phép của Đức Giêsu bởi đâu? Họ tìm về nguồn gốc chỉ thấy: “Mẹ ông là bà Maria, anh em họ hàng là Giacôbê, Giosê, Giuđa và Simon.” Tất cả bà con lối xóm đều coi ông như bạn bè từ gần 30 năm nay ở Nagiarét này, một thôn ấp nhỏ bé chỉ có độ 150 gia đình nghèo nàn, tối tăm, mấy ai quan tâm đâu. Ông lại là anh thợ mộc, con nhà lao động, làm thuê làm mướn, lang thang từ nhà này sang nhà khác, đóng bàn sửa ghế, ráp giường ghép tủ, đục đẽo cầy bừa, thành phần địa vị thấp kém trong xã hội. Có bao giờ thấy ông nói năng, làm được gì hay lạ đâu? Ông bỏ quê nhà đi lang thang mấy tháng, nay trở về, sao thay đổi nhanh như thế! Một quá khứ và hiện tại như thế đã khiến họ vấp phạm. Họ không tin Ngài là một Ngôn Sứ, lại càng không thể tin Ngài là Mêsia, và chắc chắn họ chẳng bao giờ dám nghĩ rằng mình là người đồng hương với Ngôi Hai Con Thiên Chúa.
Còn Đức Giêsu, ai đã huấn luyện Ngài? Ai đã ban quyền phép làm những việc kỳ diệu như thế? Thân nhân bảo Ngài “mất trí.” Kinh sư chụp mũ Ngài “nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ.” Dân chúng chỉ biết ngạc nhiên: chưa từng thấy ai ăn nói, hành động có uy quyền lạ lùng như vậy. Môn đệ đi theo sát Ngài cũng chỉ biết hỏi: “Ngài là ai mà bão biển phải tuân lệnh.” Chẳng thấy ai huấn luyện Ngài, chẳng thấy Ngài học tập kinh sư nào. Chỉ thấy Ngài vào nơi thanh vắng, ngước mắt lên trời cầu nguyện. Trong âm thầm Ngài cầu nguyện cùng Chúa Cha trên trời. Đó chính là bí quyết làm cho Ngài khôn ngoan và đầy quyền phép để trừ hàng ngàn quỷ dữ, chữa hàng trăm bệnh nhân mà loài người phải bó tay, cho kẻ chết sống lại, bắt cuồng phong lặng yên…
Dân làng biết Ngài khôn ngoan. Kinh sư thấy Ngài trừ quỷ. Môn đệ được Ngài cứu khỏi chết giữa biển cuồng phong. Nhưng họ chẳng biết Ngài là Con Một Thiên Chúa, chẳng biết Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa; vì thương yêu loài người, đã xuống thế làm người sống với họ như anh em, như bạn bè, để cứu họ khỏi chết đời đời.
Dân làng Nazarét quá biết về gốc gác, gia cảnh, biết rõ ràng lý lịch của Đức Giêsu. Với đầu óc thủ cựu, lại nặng thành kiến nên họ không thể nhận ra thiên tính nơi con người của Ngài. Đức Giêsu trở thành nạn nhân của “chủ nghĩa lý lịch.” Mc. Kenzie nói: Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người định kiến hẹp hòi nhìn bằng kính hiển vi.”
Còn Đức Giêsu thì luôn âm thầm, kiên nhẫn, nhỏ nhẹ nói với họ bằng câu ngạn ngữ: “Không ai là tiên tri cho xứ sở mình.” Một câu chuyện quen thuộc nhưng đáng buồn “Ngôn sứ không được quê hương mình chấp nhận.” Đức Giêsu thật ngạc nhiên vì thấy họ không tin. Ngài rất muốn giúp đỡ họ nhưng cũng đành phải bó tay. Họ chỉ biết nhìn Ngài theo lối nhìn bên ngoài đầy thành kiến, chẳng thấy được những điều sâu lắng bên trong, những cái tinh thần cao thượng, những mầu nhiệm thiêng liêng chân thật.
Chuyện ngày xưa cũng như chuyện ngày nay. Rất nhiều khi chúng ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ, nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn mà nói thì chúng ta cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì ta cho rằng họ nói sai hoặc chẳng có giá trị gì. Chính vì tâm lý sai lạc này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì thường bị bạc đãi (x. Lc 6, 23.26). Lối hành xử như vậy là coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra một đứa trẻ, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.
Đức Giêsu buồn nhưng không cay cú, không tức giận. Ngài quyết định đem ánh sáng và quà tặng thần linh đi đến nơi khác. Những người ở làng quê Nagiarét đã để lỡ cơ hội đón tiếp Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa làm một thường dân đến sống giữa họ mà họ không biết. Họ chỉ biết đó là con ông thợ mộc Giuse. Họ chỉ biết gia đình Ngài rất nghèo, chẳng có danh giá gì trong làng. Họ coi thường Ngài. Họ không tin Ngài. Họ hất hủi Ngài. Họ đã để lỡ cơ hội nghìn năm một thuở. Đức Giêsu không làm một phép lạ nào ở đó. Ngài bỏ Nagiarét đi đến các làng chung quanh. Và Ngài sẽ chẳng bao giờ trở lại Nagiarét nữa. Đó là cơ hội cuối cùng cho họ.
Hằng ngày chúng ta cũng đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội như thế. Ta đã bỏ lỡ không tiếp đón Chúa đến thăm khi ta bịt mắt không nhìn thấy những cảnh khổ chung quanh; khi ta bưng tai không nghe những tiếng kêu than khóc lóc; khi ta làm ngơ trước những cảnh ngộ nghiệt ngã, khi ta ngoảnh mặt quay lưng trước những nạn nhân của thiên tai hoạn nạn. Nhất là ta bỏ lỡ không nghe thấy tiếng Chúa cảnh báo để ăn năn sám hối. Chúa đã nhắc nhở ta nhiều lần nhiều cách: qua các vị bề trên; qua các tai nạn; qua lời khuyên của những người thân; qua lời phê phán của những người thù ghét ta. Hôm nay, Chúa còn tiếp tục nhắc nhở. Nếu ta không nghe, biết đâu hôm nay sẽ là lần cuối cùng. Chúa sẽ không bao giờ nhắc nhở nữa. Chúa sẽ bỏ ta mà đi như đã bỏ làng Nagiarét và không bao giờ trở lại. Như thế thì thật nguy hiểm cho linh hồn ta. Để nhận biết Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một đức tin mạnh mẽ. Ánh mắt đức tin giống như ngọn đèn soi chiếu vào đêm đen giúp ta nhận ra Chúa trong anh em, trong những biến cố Chúa gửi đến.
Để đón tiếp Chúa, ta phải rèn luyện cho mình một trái tim luôn luôn rộng mở yêu thương. Một trái tim yêu thương sẽ rất bén nhạy để nghe được tiếng nói của Chúa, dù tiếng nói ấy chỉ thì thầm trong sâu thẳm lòng mình; hiểu được những dấu chỉ của Chúa, dù những dấu chỉ ấy chỉ mơ hồ thoáng qua; nhận được khuôn mặt của Chúa, dù khuôn mặt ấy đã bị biến dạng qua những đau thương của cuộc đời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con tỉnh thức để nhận ra và đón nhận Chúa mỗi lần Chúa đến với con.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở con mắt đức tin cho mọi người được thấy những sự khôn ngoan, quyền phép lạ lùng của Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động trong Giáo Hội, trong thế giới và cả trong vũ trụ, mà con mắt phàm trần không thể thấy được, để họ biết ca ngợi Chúa muôn đời. Amen.
LM Giuse Nguyễn Hữu An