Chúng ta biết rằng, trước khi bắt đầu đời sống công khai, Đức Giêsu đã có khoảng 30 năm sống ẩn dật ở Nadaret. Nơi đây, Giêsu đã nhiều lần nhìn thấy cha, bắt gặp mẹ phải thức khuya dậy sớm, phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” từng ngày, phải thao thức tính trước tính sau, chạy ngược chạy xuôi tìm kiếm những cách thức khác nhau để có thể làm lụng và kiếm tiền nuôi sống gia đình. Nơi đây, qua mẫu gương lao động của mẹ cha, Đức Giêsu đã học biết yêu mến và chuyên cần làm việc. Điều này góp phần làm cho Đức Giêsu “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn khoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).
Lúc đi rao giảng Tin Mừng, đã có lần Đức Giêsu nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng phải làm việc” (Ga 5,17). Làm việc nhiều, nhưng Đức Giêsu không phải là người nghiện việc. Trái lại, Ngài làm việc trong sự thông hiệp với Cha, và để phục vụ cho hạnh phúc của con người mà không quản ngại hi sinh, vất vả.
Từ những bài học nhận được nơi Mẹ Maria, Thánh Giuse, và qua kinh nghiệm của bản thân, con tim Giêsu đã từ lâu dành một chỗ rất đặc biệt cho những người lao động. Và hình ảnh ấy đã đi vào bài giảng của Ngài về Nước Trời qua dụ ngôn người thợ làm vườn nho (Mt 20,1-16).
Đức Giêsu kể rằng có một ông chủ muốn tìm thợ để làm trong vườn nho của mình. Ông ra chợ từ sáng sớm, rồi giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, và đặc biệt giờ thứ mười một. Kinh Thánh kể lại rằng khoảng giờ mười một, ông chủ lại ra chợ và thấy còn có người đứng đó rảnh rang, liền hỏi: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”. Các người này liền trả lời: “Vì không ai mướn chúng tôi”? Nghe vậy, dầu biết là chỉ còn khoảng 1 giờ nữa là thời gian làm việc chấm dứt, nhưng ông chủ vẫn tạo điều kiện cho họ làm việc. Ngạc nhiên hơn, sau đó ông chủ trả công cho những người đến làm sau như thể họ làm đủ một ngày.
Ông chủ này làm vậy có lẽ không phải vì vườn nho của ông, cho bằng vì đồng lương, vì cuộc sống của những người thợ và gia đình của họ. Ông thấu biết những anh thợ này cần việc làm để có thể kiếm tiền lo trang trải cuộc sống của bản thân và gia đình. Ông nhận ra nỗi ưu tư lo lắng hằn nổi rất rõ trên gương mặt, nơi ánh mắt của những con người lao động bình dân chất phác này: Ai sẽ lo cho mẹ già, cho con thơ, cho anh, cho em . . . đang ở nhà và với những nhu cầu khác nhau cần được chu cấp và chăm sóc vì đau bệnh, hay vì còn đang tuổi ăn, tuổi học? Trách nhiệm của một trụ cột trong gia đình thôi thúc những con người này phải phấn đấu làm việc. Tình thương yêu chăm sóc dành cho gia đình làm cho họ thao thức mỗi ngày, từ lúc sáng sớm tới lúc chiều tà.
Hình ảnh ông chủ và tấm lòng của ông đối với người lao động diễn tả không ai khác ngoài chính Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu, và tình yêu dạt dào của Ngài dành cho những người đang ngày ngày phải vất vả bươn chải vì mối lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Họ là những người Chúa Giêsu nhắm tới một cách đặc biệt khi nói: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,28).
Ở lại với Giêsu trong cầu nguyện chúng ta, những người không chỉ phải lo toan cho những nhu cầu vật chất, nhưng còn phải tìm kiếm sự sống và giá trị thiên đàng, sẽ gặp được nguồn ủi an, trợ lực cần thiết cho hành trình tiến về Nước Trời của mỗi người. Tin tưởng vào tình thương của Chúa và nhìn vào Thánh Tâm cháy lửa yêu mến mọi người lao động, chúng ta hãy chạy đến với Ngài dâng lên những khó nhọc, vất vả của cuộc sống và kêu nài:
“Lạy Chúa, xin đừng để con túng nghèo,
cũng đừng cho con giàu có;
chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng,
kẻo được quá đầy dư,
con sẽ khước từ Ngài mà nói: “ĐỨC CHÚA là ai vậy?”
hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp,
làm ô danh Thiên Chúa của con” (Cn 30,8b-9). Amen
(Hoàng Sơn,SJ)
http://dongten.net/noidung/36901