Maranatha! Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến
“Sói sống chung với chiên con, beo nằm chung với dê, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau… trẻ thơ vui đùa kề hang rắn độc” (Is 11,6-8).
Ôi, những hình ảnh tràn ngập chất thơ nhưng chắc chỉ có trong mơ. Không tưởng! Tiên tri Isaia cố ý chọn những hình ảnh đối nghịch nhất để làm nổi bật sứ điệp hòa giải và tha thứ, tình yêu và lòng thương xót. Đó là thế giới của Thiên Chúa, vì “sự hiểu biết Chúa sẽ tràn ngập đất này, như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11,9). Thế giới ấy vẫn là niềm khao khát của con người ngày nay.
Tại sao tạp chí Time chọn Đức Phanxicô là Nhân vật của năm 2013? Có 3 vị giáo hoàng được nhận vinh dự này: Đức Gioan XXIII sau gần 4 năm làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II sau 16 năm, còn Đức Phanxicô chỉ mới 9 tháng! Chắc hẳn vì người ta gặp được ở ngài tình yêu và lòng thương xót mà họ mong chờ, qua cách sống giản dị, qua tình yêu người nghèo, được thể hiện rõ nét nơi vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Châu Mỹ La Tinh.
Tại sao cả thế giới ngưỡng mộ Nelson Mandela của Nam Phi? Ít có nhân vật chính trị nào được ngưỡng mộ như thế, vì làm chính trị thường bị đồng hóa với thủ đoạn, gian giảo và quỷ quyệt, độc ác và tàn bạo! Còn Mandela lại được so sánh với Gandhi và Martin Luther King. Chắc hẳn vì người ta thấy nơi ông điều họ khao khát: tha thứ và hòa giải. Nằm tù 27 năm mà vẫn tha thứ cho người hành hạ mình, và sâu hơn nữa, còn tuyên bố: “Nếu tôi vẫn giữ lòng căm thù với những người đã giam giữ và hành hạ mình, thì tôi vẫn chưa ra khỏi tù!”. Chịu đau khổ mà sẵn sàng làm hòa với kẻ thù, dù đang nắm quyền lực trong tay.
Ngay cả những chuyện đáng buồn trong cuộc sống, cách nào đó, cũng hé mở niềm khát khao cái thiện và cái đẹp trong lòng người. Tại sao ai cũng lên án ông bác sĩ ở Hà Nội ném xác bệnh nhân xuống sông? Tại sao người ta lên án chuyện “hôi bia” ở Biên Hòa? Ấy là vì người ta khao khát cái thiện và đẹp trong ứng xử giữa đồng loại. Con người vẫn khao khát và Chúa đến để lấp đầy nỗi khát khao đó: “Triều đại Người đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị đến muôn đời”.
Khao khát Chân, Thiện, Mỹ là niềm khao khát sâu thẳm trong lòng người. Từ tầm nhìn của đức tin Kitô giáo, chính Thiên Chúa đã đặt niềm khao khát đó trong lòng người, và không quyền lực nào có thể dập tắt hay tước đoạt. Văn hào Dostoievski đã làm nổi bật chân lý này trong tác phẩm Tội ác và trừng phạt, và Lưu Quang Vũ của Việt Nam không ít lần lấy lại môtíp này trong những vở kịch nổi tiếng của mình. Quả thật, Chúa vẫn đang gõ cửa lòng mỗi người từng giây từng phút: “Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ” (Kh 3,19).
Vấn đề là người ta có nghe được tiếng gõ cửa không: “Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Ai nghe…” Muốn nghe được, cần có một không gian tĩnh lặng. Giữa ban ngày náo nhiệt, nói chuyện cứ phải hét lên, thật khó lòng nghe được những lời thầm thì. Còn giữa đêm khuya thanh vắng, chỉ một tiếng động khẽ khàng cũng có thể làm thức giấc.
Cũng thế, khi ngôi nhà tâm hồn quá ồn ào, khó lòng nghe tiếng Chúa. Có những ồn ào của lo toan đời sống thường nhật. Có những ồn ào của những tính toán tăm tối. Có những ồn ào của những ước mơ trần tục. Tất cả đều ngăn cản chúng ta nghe tiếng gõ cửa của Chúa.
Không chỉ nghe, còn phải mở: “Ai nghe và mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào” (Kh 3,20). Adam và Eva “nghe thấy tiếng Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn”, nhưng hai ông bà “trốn vào giữa cây cối trong vườn để khỏi giáp mặt” (St 3,8). Thế nên, nghe thì có nghe nhưng không muốn mở. Chúa mà vào thì phiền lắm! Phải nhìn nhận sự thật về chính mình, và nhiều khi là những sự thật đau đớn. Phải thay đổi lối sống tuy tội lỗi nhưng con người tự nhiên lại thấy thoải mái. Phải từ bỏ một điều gì đó có thể rất thiết thân với mình.
Tổng giám mục Desmond Tutu – giải Nobel Hòa bình, thân thiết với Nelson Mandela – nhận xét về sự thay đổi nơi Mandela: “Trước khi Nelson bị bắt năm 1962, ông là một người còn tương đối trẻ và là người giận dữ. Ông thành lập cánh quân sự của ANC. Khi ông ra khỏi tù, ông làm cho tất cả mọi người ngạc nhiên vì ông nói về hòa giải và tha thứ, chứ không nói về việc trả thù”.
Nghĩa là đã có sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn. Hiểu như thế, lòng khát khao vẫn còn đó nơi mỗi con người, nhưng chưa đủ mạnh để có thể tạo nên những thay đổi lớn trong cách nghĩ và cách sống. Thế nên khi hát lên tâm tình mong chờ của Mùa Vọng, cần phải xin cho niềm khao khát mong chờ ấy được mạnh mẽ và thiết tha hơn nữa. Phải cầu xin để có đủ can đảm nội tâm mà thốt lên lời khẩn nguyện từ đáy lòng mình:
Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! (Kh 22,20).
19-12-2013
Thiên Triệu
“Sói sống chung với chiên con, beo nằm chung với dê, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau… trẻ thơ vui đùa kề hang rắn độc” (Is 11,6-8).
Ôi, những hình ảnh tràn ngập chất thơ nhưng chắc chỉ có trong mơ. Không tưởng! Tiên tri Isaia cố ý chọn những hình ảnh đối nghịch nhất để làm nổi bật sứ điệp hòa giải và tha thứ, tình yêu và lòng thương xót. Đó là thế giới của Thiên Chúa, vì “sự hiểu biết Chúa sẽ tràn ngập đất này, như nước lấp đầy lòng biển” (Is 11,9). Thế giới ấy vẫn là niềm khao khát của con người ngày nay.
Tại sao tạp chí Time chọn Đức Phanxicô là Nhân vật của năm 2013? Có 3 vị giáo hoàng được nhận vinh dự này: Đức Gioan XXIII sau gần 4 năm làm giáo hoàng, Đức Gioan Phaolô II sau 16 năm, còn Đức Phanxicô chỉ mới 9 tháng! Chắc hẳn vì người ta gặp được ở ngài tình yêu và lòng thương xót mà họ mong chờ, qua cách sống giản dị, qua tình yêu người nghèo, được thể hiện rõ nét nơi vị giáo hoàng đầu tiên xuất thân từ Châu Mỹ La Tinh.
Tại sao cả thế giới ngưỡng mộ Nelson Mandela của Nam Phi? Ít có nhân vật chính trị nào được ngưỡng mộ như thế, vì làm chính trị thường bị đồng hóa với thủ đoạn, gian giảo và quỷ quyệt, độc ác và tàn bạo! Còn Mandela lại được so sánh với Gandhi và Martin Luther King. Chắc hẳn vì người ta thấy nơi ông điều họ khao khát: tha thứ và hòa giải. Nằm tù 27 năm mà vẫn tha thứ cho người hành hạ mình, và sâu hơn nữa, còn tuyên bố: “Nếu tôi vẫn giữ lòng căm thù với những người đã giam giữ và hành hạ mình, thì tôi vẫn chưa ra khỏi tù!”. Chịu đau khổ mà sẵn sàng làm hòa với kẻ thù, dù đang nắm quyền lực trong tay.
Ngay cả những chuyện đáng buồn trong cuộc sống, cách nào đó, cũng hé mở niềm khát khao cái thiện và cái đẹp trong lòng người. Tại sao ai cũng lên án ông bác sĩ ở Hà Nội ném xác bệnh nhân xuống sông? Tại sao người ta lên án chuyện “hôi bia” ở Biên Hòa? Ấy là vì người ta khao khát cái thiện và đẹp trong ứng xử giữa đồng loại. Con người vẫn khao khát và Chúa đến để lấp đầy nỗi khát khao đó: “Triều đại Người đua nở hoa công lý, và thái bình thịnh trị đến muôn đời”.
Khao khát Chân, Thiện, Mỹ là niềm khao khát sâu thẳm trong lòng người. Từ tầm nhìn của đức tin Kitô giáo, chính Thiên Chúa đã đặt niềm khao khát đó trong lòng người, và không quyền lực nào có thể dập tắt hay tước đoạt. Văn hào Dostoievski đã làm nổi bật chân lý này trong tác phẩm Tội ác và trừng phạt, và Lưu Quang Vũ của Việt Nam không ít lần lấy lại môtíp này trong những vở kịch nổi tiếng của mình. Quả thật, Chúa vẫn đang gõ cửa lòng mỗi người từng giây từng phút: “Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ” (Kh 3,19).
Vấn đề là người ta có nghe được tiếng gõ cửa không: “Này Ta đứng ngoài cửa mà gõ. Ai nghe…” Muốn nghe được, cần có một không gian tĩnh lặng. Giữa ban ngày náo nhiệt, nói chuyện cứ phải hét lên, thật khó lòng nghe được những lời thầm thì. Còn giữa đêm khuya thanh vắng, chỉ một tiếng động khẽ khàng cũng có thể làm thức giấc.
Cũng thế, khi ngôi nhà tâm hồn quá ồn ào, khó lòng nghe tiếng Chúa. Có những ồn ào của lo toan đời sống thường nhật. Có những ồn ào của những tính toán tăm tối. Có những ồn ào của những ước mơ trần tục. Tất cả đều ngăn cản chúng ta nghe tiếng gõ cửa của Chúa.
Không chỉ nghe, còn phải mở: “Ai nghe và mở cửa cho Ta, Ta sẽ vào” (Kh 3,20). Adam và Eva “nghe thấy tiếng Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn”, nhưng hai ông bà “trốn vào giữa cây cối trong vườn để khỏi giáp mặt” (St 3,8). Thế nên, nghe thì có nghe nhưng không muốn mở. Chúa mà vào thì phiền lắm! Phải nhìn nhận sự thật về chính mình, và nhiều khi là những sự thật đau đớn. Phải thay đổi lối sống tuy tội lỗi nhưng con người tự nhiên lại thấy thoải mái. Phải từ bỏ một điều gì đó có thể rất thiết thân với mình.
Tổng giám mục Desmond Tutu – giải Nobel Hòa bình, thân thiết với Nelson Mandela – nhận xét về sự thay đổi nơi Mandela: “Trước khi Nelson bị bắt năm 1962, ông là một người còn tương đối trẻ và là người giận dữ. Ông thành lập cánh quân sự của ANC. Khi ông ra khỏi tù, ông làm cho tất cả mọi người ngạc nhiên vì ông nói về hòa giải và tha thứ, chứ không nói về việc trả thù”.
Nghĩa là đã có sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn. Hiểu như thế, lòng khát khao vẫn còn đó nơi mỗi con người, nhưng chưa đủ mạnh để có thể tạo nên những thay đổi lớn trong cách nghĩ và cách sống. Thế nên khi hát lên tâm tình mong chờ của Mùa Vọng, cần phải xin cho niềm khao khát mong chờ ấy được mạnh mẽ và thiết tha hơn nữa. Phải cầu xin để có đủ can đảm nội tâm mà thốt lên lời khẩn nguyện từ đáy lòng mình:
Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! (Kh 22,20).
19-12-2013
Thiên Triệu