Hội nhập
Ghi danh
9:13 SA
Thứ Năm
28
Tháng Ba
2024

Suy Niệm Lễ Các Đẳng Linh Hồn

01 Tháng Mười Một 20167:40 SA(Xem: 8751)

Luyen_nguc_0

Thời Cựu ước, người ta vẫn tin rằng, những người còn sống có thể làm việc đền tội thay cho những người đã chết. Sách Macabê đã kể lại rằng: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (x. 2 Mcb 12, 43-46).  Ngay từ những thời gian đầu, Giáo hội cũng đã tôn kính và tưởng niệm những người đã qua đời bằng việc dâng lễ, cầu nguyện, làm việc bố thí, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ để giúp những người đã qua đời (x. GLHTCG số 1032). Giáo hội luôn khuyến khích và mời gọi các Kitô hữu còn sống tiếp tục thực thi những điều trên đây để cứu giúp các linh hồn. Khi như vậy, không những chúng ta giúp các linh hồn mà còn thực thi sự công bằng, bác ái và đặc biệt đem lại lợi ích cho chúng ta.

1. Khi chúng ta cứu giúp các linh hồn là chúng ta đang thực thi sự công bằng. Bởi vì, các linh hồn đang chịu đau khổ trong luyện ngục có thể là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, thân nhân của chúng ta. Họ đã có công sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người. Họ đã góp phần làm nên cuộc sống của chúng ta ngày hôm nay. Có thể vì chúng ta mà họ phải giam cầm trong lửa luyện ngục. Vì vậy, cách nào đó chúng ta đang mắc nợ các ngài.

Các linh hồn đang chịu đau khổ trong luyện ngục cũng có thể là những ân nhân của chúng ta, họ đã từng làm cho đời chúng ta được tốt đẹp hơn: Đó là các thầy cô giáo đạo đời; đó là các Đấng bậc trong Giáo hội, nhất là các linh mục quản xứ đã từng giảng dạy khuyên nhủ chúng ta, ban các Bí tích, giúp chúng ta giao hòa với Thiên Chúa và anh chị em mình; đó là các ân nhân xa gần có thể giúp đỡ chúng ta về tinh thần cũng như vật chất: một lời khích lệ động viên, một sự nâng đỡ, một chén cơm, một món qùa khi chúng ta thiếu thốn, đói khát…

Cho nên, khi chúng ta xin lễ, cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục là chúng ta đang thực thi lẽ công bằng, đang làm việc bổn phận của chúng ta.

2. Khi chúng ta cứu giúp các linh hồn là chúng ta thực thi tinh thần bác ái: khi thấy ai đói khổ, bệnh tật, gặp hoạn nạn rủi ro…chúng ta thường ra tay giúp đỡ. Chẳng hạn, trong trận lụt lịch sử do thiên tai và nhân tại xảy ra tại miền Trung vừa qua để lại bao nhiêu hậu quả nặng nề: nhiều người chết, hàng chục ngàn người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thiếu lương thực thuốc men…Trong hoàn cảnh bi đát đó, chúng ta thấy có rất nhiều cá nhân, tập thể khắp nơi quyên góp tiền của gửi tới đồng bào Miền trung, trong đó có các giáo xứ trong giáo hạt chúng ta. Tinh thần liên đới đó giúp họ phần nào vơi đi sự đau khổ, mất mất, nhất là giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

Từ hình ảnh trên, chúng ta liên tưởng đến những đau khổ mà các linh hồn ngày đêm phải chịu trong luyện ngục: đau khổ vì phải xa mặt Chúa; đau khổ vì phải chịu lửa thiêu đốt hằng ngày. Các ngài không tự cứu mình được. Các ngài đang trông chờ sự cứu giúp của chúng ta. Vậy, chúng ta hãy phát động một cuộc quyên góp, nhất là trong tháng các linh hồn này. Hàng quyên góp của chúng ta không phải là cơm áo, gạo tiền nhưng chính là thánh lễ, lời cầu nguyện, việc hy sinh bác ái và các việc lành phúc đức khác… Nhờ có những của quyên góp chúng ta gửi tới các linh hồn, các ngài sẽ sớm được ra khỏi luyện hình để về với Chúa trên Thiên đàng. Khi làm như thế, là chúng ta đang thực thi lòng bác ái đối với các linh hồn.

3. Khi chúng ta cứu giúp các linh hồn là chúng ta đang làm một việc có ích cho chúng ta. Bởi vì, khi các linh hồn trong luyện ngục được về Thiên đàng, các ngài sẽ bầu cử cho chúng ta trước mặt Chúa. Mặt khác, khi chúng ta nhớ tới các hình khổ mà các linh hồn phải chịu, sẽ nhắc nhở chúng ta cố gắng sống tốt hơn, đền tội nhiều hơn ở đời này để ngày sau giảm bớt thời gian đền tội trong luyện ngục. Hơn nữa, khi chúng ta làm việc giúp các linh hồn đòi buộc chúng ta phải cố gắng sống trong ơn nghĩa Chúa. Bởi vì, theo ý kiến của Thánh Tôma Aquinô, để những việc làm của chúng ta sinh ích cho các linh hồn, một trong những điều kiện cần phải có đó là phải làm khi có ơn nghĩa Chúa, nghĩa là sạch tội trọng.

Truyện kể rằng, một người cha đang khi hấp hối dặn đứa con trai nhớ đến và năng cầu nguyện cho cha sau khi cha qua đời. Người con hiếu thảo vâng lời ngay, chàng siêng năng cầu nguyện, dâng việc lành phúc đức cầu cho linh hồn cha.

Sau 33 năm người cha nói trên hiện về với con, quanh mình phủ đầy lửa, cay đắng phàn nàn:

- Tại sao con quên cha lâu năm như vậy, không cầu nguyện cứu giúp cha.

Người con hết sức ngạc nhiên không hiểu câu nói của cha, chàng liền hỏi:

- Những lời cầu nguyện, việc lành, bố thí của con không giúp ích gì cho cha sao?

Người cha trả lời:

- Không con ơi, các việc lành phúc đức con làm không sinh ích gì cho con và cho cha, bởi con làm khi con mắc tội trọng. Con xưng tội, nhưng không có lòng ăn năn chừa tội thật. Chúa nhân từ cho phép cha hiện về với con để làm ích cho cha con ta.

Từ đó, người con thật lòng ăn năn chừa tội và chẳng bao lâu sau đã cứu được linh hồn cha khỏi Luyện ngục lên Thiên đàng rực rỡ vô ngần (x. Bài “Những phương thế cứu giúp các linh hôn luyện ngục”  của Lm. Mark, CMC).

Lạy Chúa, nhờ thánh lễ chúng con dâng hôm nay và lời cầu nguyện và những hy sinh chúng con làm trong suốt tháng này, xin Chúa giảm bớt những hình khổ mà các linh hồn phải chịu trong luyện ngục, sớm đưa các ngài về hưởng trọn vẹn hạnh phúc với Chúa. Xin cho chúng con biết xa tránh tội lối, ra sức làm việc lành để ngày sau được lên Thiên đàng. Amen.

Lm Anthony Trung Thành

07 Tháng Mười Một 2022(Xem: 1964)